Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, nhưng những ký ức về ngày tháng hào hùng đó vẫn vẹn nguyên và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung, của người Hà Nội nói riêng.
Thời khắc lịch sử
Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954. Theo các điều khoản Hiệp định, quân đội Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 8/10, quân Pháp làm lễ hạ cờ. Hôm sau, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội, bộ đội ta tiến vào tiếp quản.
Tính đến 16 giờ 30 ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên. Quân ta chính thức kiểm soát thành phố. Cầu Long Biên trở thành nơi ghi dấu chân những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời Hà Nội khỏi xuống Hải Phòng, vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam. Cây cầu này cũng là nơi đón chào đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Sáng 10/10/1954, quân ta tiến vào nội thành Hà Nội theo các hướng. Từ hướng Tây, các chiến sỹ của Trung đoàn Thủ Đô quân xuất phát từ sân “Quần Ngựa” (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa) đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… vào đóng trong Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Đông.
Hướng Nam, hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa ngày nay), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực “Đồn Thủy” (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và “Đấu Xảo” (Cung Văn hóa Hữu Nghị).
Ông Đặng Văn Tích, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Những ngày tháng ấy là những ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”
Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến ngã tư Vọng, sang ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.
Trên sân vận động Manzin (nay là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304. Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).
Đúng 15h ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn thành phố hướng về Thành Hoàng Diệu. Chủ trì lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính. Kết thúc buổi lễ, đồng chí Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Đó cũng là thời khắc lịch sử của quân và dân Hà Nội.
Đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô
Kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ
Để có được ngày chiến thắng thì từ trước đó, quân và dân thủ đô Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động phối hợp trong chiến địch Đông - Xuân (1953 - 1954) và chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiêu biểu của các hoạt động này là: Trận tập kích sân bay Gia Lâm vào đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4/3/1954 của lực lượng vũ trang Thủ đô với sự giúp đỡ của nhân dân xã Long Biên, Bồ Đề, bằng lối đánh táo bạo, bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, ta đã phá hủy 18 máy bay, đốt kho xăng, tiêu diệt 16 tên địch, gây khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; hay Phong trào ký kiến nghị đòi hòa bình ở Hà Nội của trí thức, thân sỹ, công nhân, tiểu thương, phụ nữ... phát triển trong quần chúng thành phong trào chính trị sâu rộng.
Điển hình là các phong trào như phong trào chống bắt lính, đẩy mạnh địch - ngụy vận được dấy lên mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên, công chức, thanh niên, phụ nữ với khẩu hiệu “Đi lính là chết vô ích", "Quyết giữ con em không đi lính cho giặc"... Các phong trào này đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú: Không khai báo, không trình diện, lẩn trốn tại chỗ, trốn về quê, trốn ra vùng tự do, đấu tranh ở các trại tập trung Ngọc Hà, Sinh Từ, Lò Đúc, lấy chữ ký vào kiến nghị phản đối luật tổng động viên, bãi khóa chống quân sự hóa học đường…
Công tác địch - ngụy vận được đẩy mạnh với lính Âu - Phi, ngụy binh, cảnh binh. Cán bộ của Ban địch vận và quần chúng ở các đoàn thể cũng tham gia địch - ngụy vận với khẩu hiệu “Lập công trở về với Tổ quốc”. Từ tháng 3/1954, đã có hơn 19.000 tên địch đào ngũ, không kể hàng nghìn tên trong tổ chức Bảo chính đoàn và địa phương quân tan rã tại chỗ hoặc trở về với nhân dân.
Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tấn công, siết chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháp, Anh, Hoa Kỳ phải đồng ý gặp Liên Xô, Trung Quốc và các nước liên quan ở hội nghị Giơ-ne-vơ để bàn về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 7/5/1954, nhân dân vô cùng vui mừng khi được tin quân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ. Quân Pháp và bù nhìn thì hoang mang, dao động cực độ.
Niềm vui của người dân khi chào đón đoàn quân chiến thắng
Những tin thắng lợi của ta về quân sự, ngoại giao đã làm cho quần chúng lao động Hà Nội càng phấn khởi đấu tranh chống địch. Hầu hết các cuộc đấu tranh đều dùng những hình thức hợp pháp như: cử đại biểu, yêu cầu đưa đơn. Địch càng lúng túng, phong trào đấu tranh của ta càng cao và càng thu nhiều thắng lợi. Nổi bật nhất là phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội chống địch bắt lính và công tác vận động ngụy binh; đã có từng đơn vị trung đội, đại đội đào ngũ; có những tốp ngụy binh lái cả xe vận tải chở vũ khí ra vùng tự do.
Để chuẩn bị cho giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo đẩy mạnh trọng tâm cuộc đấu tranh của quân và dân Hà Nội từ 20/7 đến 10/10/1954 với lực lượng nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu, mang đi hồ sơ quan trọng; đồng thời, chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam.
Sau hơn 2 tháng đấu tranh, ta đã giữ được gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu ở nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện quan trọng. Đồng bào các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên bị địch dồn về Hà Nội để di cư, được cán bộ giải thích, tuyên truyền, đã tự nguyện trở về quê nhà sinh sống. Đại bộ phận nhân dân Hà Nội không mắc mưu địch, ở lại chờ đón ngày giải phóng. Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954.
Ký ức còn vang mãi
Ngày 10/10/1954 ghi mốc son trong lịch sử của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng, đánh dấu kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Còn đối với thế hệ những người lính đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô và người dân Hà Nội thì ngày 10/10/1954 thực sự là ngày trở về lịch sử, Hà Nội bước sang một trang mới.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô nhớ lại: “Tôi lúc đó là anh cán bộ Thủ đô, cũng là người chiến đấu giữ Hà Nội 60 ngày đêm (năm 1946-1947), nên được tổ chức chọn vào phái đoàn Bộ Tổng Tham mưu về tiếp quản. Tối ngày 9/10/1954, cả Hà Nội được giới nghiêm, đường phố vắng bóng người qua lại, chỉ có bộ đội đi tuần tra. Đến 5 giờ sáng (hết giờ giới nghiêm) thì tất cả các phố xá, các ngõ ngách, cờ quạt được treo lên, người ra đường rất đông, mặc đẹp, sang trọng như ngày Tết để đón bộ đội về tiếp quản”.
Còn ông Đặng Văn Tích, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô kể: “Chúng tôi đi chiến đấu thì nhớ Hà Nội lắm, và thường hát bài Ngày về: “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu. Đêm nay mơ thấy tiến về Hà Nội…”. Hồi đó, chúng tôi đóng quân ở Định Hóa, Thái Nguyên, chúng tôi còn lấy tre, nứa, lá làm thành hình tháp Rùa ở giữa một khu ruộng để ngắm cho đỡ nhớ. Có thể nói là ngày nào, đêm nào, chúng tôi cũng thế, cũng nhớ về Hà Nội. Nên khi trở về Hà Nội (10/10/1954) thấy không khí vui tươi, phấn khởi của đồng bào và các cổng chào được dựng lên khắp nơi thì chúng tôi sung sướng lắm. Lúc đó, tôi đang ngồi trên ô tô, cũng cố nhoài người ra để vẫy chào mọi người. Rất sung sướng và tự hào”!
Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, nhiều địa danh nổi tiếng gắn với sự kiện ngày 10/10/1954 như đã có nhiều đổi khác, song vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” như là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử hào hùng. Gần 65 năm sau, cùng với sự phát triển, Hà Nội đã có nhiều đổi khác, các địa danh gắn liền với sự kiện giải phóng thủ đô cũng đổi khác. Tuy nhiên, những người dân thủ đô, những người yêu Hà Nội, những vị khách phương xa vẫn nhận ra “hồn cốt” và dễ dàng hồi tưởng về một thời oanh liệt của thành phố này khi thăm lại những địa danh lịch sử này.