Ký ức không quên về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang

Dương Vương| 11/02/2021 07:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang bị địch phục kích và hi sinh cùng đồng đội sau bữa tối định mệnh cuối cùng ngày 26/1/1972 vẫn mãi in đậm trong lòng bao thế hệ. Ở tuổi 28, chàng trai người Quảng Ngãi đã anh dũng chiến đấu chống giặc trên trận địa Phú Yên.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang sinh năm 1944 (người con thứ 4 trong gia đình, theo cách gọi miền Trung là anh Năm), tại thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, Nguyễn Kim Vang tập kết ra Bắc cùng gia đình. Năm 1963, tham gia nhập ngũ và tình nguyện chiến đấu ở tỉnh Phú Yên vào năm 1967. Chức vụ trước lúc hy sinh là Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh tỉnh Phú Yên (nay là Bộ đội Biên phòng Phú Yên).

anh4.jpg
Bà Nguyễn Thị Lý (bên phải) kể lại thời gian hoạt động cách mạng và chứng kiến Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Vang hy sinh.

Gần 50 năm ngày Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Vang hi sinh, vùng đất xã Bình Kiến ngày ấy đã dần đổi mới trên con đường hội nhập. Thế nhưng, căn nhà xưa mà anh Năm ở vẫn còn nguyên màu thời gian và bóng hình người chiến sĩ cách mạng luôn trong ký ức thiếu nữ Nguyễn Thị Lý (SN 1949, thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, Tuy Hòa) ngày đó.

Ký ức đêm định mệnh

Những ngày đầu xuân năm 2020, chúng tôi về lại nơi đồng chí Nguyễn Kim Vang nằm vùng. Hôm ấy, từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Lý đã ngồi trước hiên nhà, ngóng trông nơi xa như chờ đợi anh Năm cùng đồng đội trở về. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang, bà Lý thốt lên: “Tôi biết anh Vang về mà, anh ấy thật dũng cảm, gan dạ, hiền từ và đẹp trai lắm. Tôi nhỏ hơn anh Vang 5 tuổi thôi, thời con gái ngày ấy ai cũng quan tâm đến anh Vang cả. Thật cay đắng khi lần đầu ôm anh Vang trong vòng tay là lúc anh ấy ngừng thở…”, đôi mắt bà Lý đỏ hoe.

anh8.jpg

Trong giây phút xúc động, bà Nguyễn Thị Lý kể lại: “Gần Tết cổ truyền năm 1972, tôi được giao nhiệm vụ truyền tín hiệu cho quân giải phóng về làng. Xác định tình hình an toàn, tôi mặc áo màu xanh đi lượm củi ven đường quốc lộ. May mắn nhiệm vụ hoàn thành, các đồng chí an toàn về căn cứ của ta. Ngày đó, tai mắt của quân địch dày đặc, chỉ sơ suất nhỏ là họ báo ngay cho quân địch”.

Vào đêm ngày 16/2/1972, các đồng chí Trịnh Tấn Lực (Phó Bí thư Thị ủy, Chính trị thị xã Tuy Hòa), đồng chí Nguyễn Kim Vang (Ủy viên Ban an ninh tỉnh Phú Yên, phụ trách B3), đồng chí Phạm Văn Lưu (còn gọi là Bảy Lưu) – Thị đội phó thị xã Tuy Hòa và đồng chí Đặng – Cán bộ Thị đội Tuy Hòa dùng bữa tối tại cơ sở bà Trần Thị Màn.

anh5.jpg
Chiếc lư đồng bị đạn bắn xuyên thủng được người dân thờ phụng cho đến nay.

Dùng xong bữa tối, đồng chí Lực ra ngoài nhà múc nước và phát hiện quân địch phục kích núp sát hàng rào. Đồng chí Lực ra tín hiệu cho đồng đội, ngay lúc đó, đồng chí Bảy Lưu tẩu thoát phía cửa sau ngôi nhà. Hai đồng chí Nguyễn Kim Vang và đồng chí Đặng, chưa kịp rút về nơi an toàn thì bị lính ngụy bao vây. Trong lúc chống trả quyết liệt, đạn của địch gây sát thương đồng chí Vang và đồng chí Đặng.

“Giữa làn đạn rền trời, tôi ẩn nấp trong nhà mà không thể ra ngoài giúp các đồng chí. Khi tiếng đạn dừng lại, thật đớn đau nhìn hai đồng chí Vang, đồng chí Đặng nằm ngục bên vũng máu. Quân địch bắt người dân trong làng Liên Trì kéo thi thể hai đồng chí ra ngoài đường quốc lộ, lúc ôm anh Năm đưa ra ngoài, tôi nuốt nước mắt vào lòng, đau, rất đau”, bà Nguyễn Thị Lý nhớ lại.

anh6.jpg
Chánh Văn phòng TANDTC (giữa) và Tổng Biên tập Báo Công lý (bên trái) nhận chiếc lư đồng đang thờ phụng ở nhà dân, đưa về nơi thờ tại Trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang ở Phú Yên.

Sau khi đồng chí Nguyễn Kim Vang hi sinh, quân địch bắt bà Nguyễn Thị Lý và bà Trần Thị Màn giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Đất nước được giải phóng hoàn toàn, bà Lý và bà Màn được trở về quê.

Tri ân người Anh hùng đất Quảng

Đêm định mệnh ngày Anh hùng Nguyễn Kim Vang hi sinh, dường như tất cả bị cuốn theo hương hồn người Anh hùng. Sau làn đạn thập tử nhất sinh, khu vực làng Liên Trì ngày đó nhuộm màu máu. Đến khi quân địch rời làng, người dân địa phương tìm thấy chiếc lư đồng bị viên đạn đâm xuyên thủng, chiếc lư đồng này nằm trên vũng máu gần nơi anh hùng Nguyễn Kim Vang ngã xuống.

Từ ngày Chính trị viên Nguyễn Kim Vang hi sinh, chiếc lư đồng được sử dụng trên bàn thờ hộ dân ở sát căn nhà cụ Trần Thị Màn. Mỗi khi người dân địa phương dâng hương, “vết thương” trên lư đồng đã khơi gợi ký ức về người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang và là tấm gương cho các thế hệ noi theo ý chí, tinh thần trung dũng kiên cường.

anh.jpg
Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Kim Vang (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Kim Vang.

Ngược dòng lịch sử về những trận đánh địch, Anh hùng Nguyễn Kim Vang đã chỉ huy các chiến dịch, đánh đuổi quân địch và tiêu diệt hàng trăm tên giặc. Điển hình như trận đánh vào Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Nguyễn Kim Vang chỉ huy Đại đội An ninh vũ trang phối hợp với các lực lượng khác, tấn công đồn địch tại thị xã Tuy Hòa (này là TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tiêu diệt hơn 250 tên tề ngụy ác ôn, giải cứu các cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta bị giam cầm.

Nối tiếp chiến công oai hùng trên, vào tháng 8/1969, phán đoán quân địch điều động hai tiểu đoàn lính bộ binh của Trung đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên) với lực lượng không quân và hỏa lực pháo nhằm càn quét khu căn cứ của cách mạng ở Sơn Long (xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa), Chính trị viên Nguyễn Kim Vang chỉ huy Đại đội An ninh vũ trang mưu trí, dũng cảm, bày binh bố trận chặt chẽ lừa quân địch vào trận địa khu vực Hòn Giang. Qua 10 ngày chiến đấu ác liệt, quân địch bị sập hầm chông, vướng trận địa mìn và bị hỏa lực của ta ngăn chặn mục tiêu tấn công của địch. Hậu quả hơn 100 tên địch bị tiêu diệt, nhiều binh lính địch bị thương, khiến quân địch phải rút lui và làm thất bại kế hoạch càn quét của chúng.

anh7.jpg
Lễ cắt băng khánh thành phòng học chức năng Trường tiểu học Nguyễn Kim Vang (TP Tuy Hòa, Phú Yên).

Ghi nhận sự cống hiến của liệt sĩ Nguyễn Kim Vang, vào ngày 06/6/1976, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Kim Vang; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Nhằm tri ân tấm gương Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Vang, trên vùng đất cách mạng nơi người anh hùng của dân tộc ngã xuống tại xã Bình Kiến (TP. Tuy Hòa, Phú Yên), vào ngày 08/3/2004, Trường tiểu học Bình Kiến 2 đổi tên thành Trường tiểu học Nguyễn Kim Vang. Tại quê hương nơi anh hùng sinh ra, ngày 18/3/2011, Trường THCS Hành Đức đổi tên thành Trường THCS Nguyễn Kim Vang (đóng tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi).

Vinh dự mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang, hai ngôi trường này đang từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhiều nhân tài và góp phần ngành giáo dục ở địa phương phát triển. Thứ hai hàng tuần, học sinh được ôn lại khí thế hào hùng dưới mái trường mang tên Anh hùng Nguyễn Kim Vang. Niềm tự hào, hãnh diện đã hun đúc tinh thần học sinh nơi quê nghèo vươn lên trên gian khó.

anh2.jpg
Những kỷ vật của Anh hùng LLVT nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang tại Phòng truyền thống Công an tỉnh Phú Yên.

Nhắc đến vị Anh hùng đất Quảng Nguyễn Kim Vang, không thể quên câu chuyện chiếc lư đồng bị đạn bắn xuyên thủng và thấm máu vào đêm đồng chí Nguyễn Kim Vang hi sinh. Sau 48 năm chiếc lư đồng ở nhà người dân địa phương, vào ngày 03/1/2020, đồng chí Ngô Tiến Hùng (Chánh Văn phòng TANDTC) và đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng (Tổng Biên tập Báo Công lý) đã về nơi Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Vang hi sinh, đưa chiếc lư đồng lịch sử đoàn tụ trong khu vực thờ tại trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang (Phú Yên).

Tưởng nhớ đến Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương xúc động, bày tỏ: “Nhắc đến anh Năm chính là nhắc đến các thế hệ cha anh đã kiên cường, anh dũng chiến đấu trên vùng đất cách mạng Phú Yên vì hòa bình, vì độc lập hôm nay cho Phú Yên, cho đất nước. Sự hi sinh, tinh thần cách mạng của cha anh là tấm gương, là động lực thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Phú Yên hôm nay nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng quê hương giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Có như thế mới không hổ thẹn với công ơn của các thế hệ cha anh”.

anh3.jpg
Thân nhân gia đình chụp hình lưu niệm trên tuyến đường mang tên Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Vang (TP Tuy Hòa, Phú Yên).

Tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang đã soi sáng, hun đúc tinh thần cho nhân dân, lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, ngành tòa án, các cấp chính quyền ở quê nhà Quảng Ngãi cùng nơi hi sinh ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung. Hàng năm, vào ngày 10 tháng Chạp, gia đình và địa phương tổ chức ngày giỗ tri ân tại nơi Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Vang hi sinh.

Kế thừa tấm gương người anh trai Nguyễn Kim Vang (anh Năm), đồng chí Nguyễn Hòa Bình (em út của Anh hùng Nguyễn Kim Vang) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và phát huy thành quả cách mạng. Hiện nay, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đang giữ chức danh Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức không quên về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Kim Vang