SARS khiến 6 y bác sĩ ở Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) tử vong không còn trong trí nhớ của nhiều người. Nhưng với y tá Nguyễn Thị Mến thì từng mốc thời gian, chị vẫn nhớ như in mà có lẽ cả đời này không thể quên.
Năm 2003, đúng vào dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), đại dịch SARS vào Việt Nam. SARS khiến 6 y bác sĩ ở Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) tử vong, với y tá Nguyễn Thị Mến thì từng mốc thời gian chị không thể nào quên.
Trong trí nhớ của "người anh hùng" này (chị từng được suy tôn như thế sau khi chiến thắng dịch bệnh), dịch SARS bắt đầu một cách đột ngột khi mà gần như tất cả mọi người đều nghĩ đó chỉ là một loại cúm lây lan thông thường.
Một đêm trực rất bình thường, y tá Mến có lịch trực cùng điều dưỡng Lượng và điều dưỡng trưởng tên Uyên. Chị vẫn nhớ như in ngày 26/2/2003, bệnh nhân Johnie Chong Cheng (Quốc tịch Mỹ, gốc Hồng Kông) đã vào Bệnh viện Việt Pháp khám vì lý do "cảm thấy không khỏe".
Đêm hôm đó chỉ 45 phút ông Chen vừa ho, vừa nôn ra cả bô đờm lẫn máu. Bệnh nhân nhanh chóng bị nặng và các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản cho ông Chong Chen. Sau đó tình hình nặng hơn nên người thân đã thuê chuyên cơ đưa ông Chong Chen về nước.
Y tá Nguyễn Thị Mến (Bệnh viện Việt Pháp) - người may mắn sống sót sau khi nhiễm bệnh trong đại dịch SARS 2003.
Ngày đầu tháng 3/2003, tức là vài ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Chong Cheng, y tá Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự. Được kiểm tra, uống thuốc, xông hơi... nhưng bệnh của chị càng lúc càng nặng hơn.
Chiều 5/3, toàn thân chị đau kinh khủng, đã vào viện chụp cả sau lưng nhưng không phát hiện được gì. Linh cảm người làm nghề y mách bảo chị có điều chẳng lành, sợ lây cho chồng, cho con nhỏ nên quyết định nhập viện. Tại đây, chị thấy phòng bên đã có y tá Sinh và Lượng đang nằm.
Hai ngày sau, người y tá được chuyển sang khu cách ly. Cửa sổ được mở tung để hạn chế lây bệnh. Người nhà mang quạt vào thổi vù vù xua virus.
Đêm 8/3 còn kinh khủng hơn. Chị Mến cảm giác mình không thở được, như có người bóp cổ, dìm xuống đáy sông. Lúc đó chị lại “đến kỳ”, nó không cầm được.
Ngày 15/3, y tá Lượng là người đầu tiên ra đi, sau đó cứ vài ngày lại có thêm người tử vong. Số người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Lúc cao điểm, có quá nửa nhân viên bệnh viện đổ bệnh. Để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng, bệnh viện đã tự cách ly, toàn bộ nhân viên không được về nhà. Cả nước lo sợ trước đại dịch.
Trong cơn đau đớn tột cùng, y tá Mến lờ mờ biết được đoàn cứu trợ từ các nước đã đến. Chị thấy ông Carlo Urbani – Đại diện của WHO, ngày đầu đến vẫn cười đi thăm bệnh nhân. Sang ngày hôm sau, ông hoảng hốt, liên tục gọi điện, liên tục chỉ đạo. Số người nhập viện ngày càng nhiều. Nhiều người phải thở máy. Rồi chị thiếp đi.
“Lúc ấy, ở trong phòng cách ly chỉ nhìn qua cửa sổ, chúng tôi lờ mờ hiểu rằng dịch bệnh mình đang mắc phải rất nghiệt ngã. Chỉ 3 ngày có 39 người mắc, toàn bộ là y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp. Ngay lập tức bệnh viện bị phong toả, di tản hết bệnh nhân ra khỏi viện”, chị Mến kể lại.
Niềm của người thân, đồng nghiệp ngày chị Mến được xuất viện.
Những ngày y tá Mến hôn mê ở bệnh viện, chồng chị nhận hơn 10 cú điện thoại gọi đến nhà chia buồn là vợ chết. Cả gia đình sốc ghê gớm, khi bệnh viện nói không chết thì gia đình cũng không tin nữa.
Khi tỉnh lại, chị Mến hỏi thăm về y tá Lượng, y tá Uyên. Ai cũng bảo là khỏe rồi, nhưng linh tính chị Mến biết họ bị nặng hơn chị, họ hôn mê trước chị. Rồi một đêm, chị được xem tivi. Đập vào tai người y tá khi đó là bản tin đặc biệt về dịch hô hấp cấp. Họ thống kê đến nay có 4 bệnh nhân chết vì SARS. Những cái tên rất quen: đồng nghiệp của chị.
"Không thể nào nói hết được cảm giác của tôi lúc đó kinh khủng như thế nào. Điều tồi tệ nhất là khi biết tin nhiều bác sĩ, y tá đã không qua khỏi", người y tá đã từng cận kề cái chết kể lại.
Sau lần này, cộng thêm cái chết của một đồng nghiệp khác khiến y tá Mến bị stress nặng. Đến ngày 2/4, bệnh viện cân nhắc cho chị về nhà điều trị. Một tháng sau khi ra viện chị vẫn không thở được. Đêm không thể ngủ, người đau, chân phải không cử động. Hằng ngày đều có các bác sĩ thần kinh, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu đến khám cho chị.
Nhưng đôi chân vẫn chưa thể cử động được. Chị kiên trì luyện tập, ai mách ở đâu là đi bấm huyệt ở đó. Lúc bệnh viện mở cửa trở lại, chị được động viên đi làm cho khuây khỏa. Phải một thời gian rất lâu sau đó chị mới có thể thở được bình thường, đôi chân đỡ hơn, rồi đi làm trở lại.
Giờ đây, ở tuổi 62, chị Mến thoăn thoắt đi lại, nước da trắng hồng khỏe mạnh và vẫn đang công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Việt Pháp. Gặp chị ở thời điểm này, không ai biết rằng, chị từng trải qua biến cố quá lớn của cuộc đời. Trong suốt câu chuyện về những chuỗi ngày “không muốn nhớ tới” của mình, chị Mến tâm niệm “mình được sống, thế nên luôn trân trọng và nỗ lực”.
Trải qua 45 ngày (26/2 - 8/4/2003), bằng tấm lòng quả cảm, sự lao động sáng tạo, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế (WHO, JICA, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới...), chúng ta đã chống SARS thành công. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận đã khống chế thành công dịch SARS (ngày 28/4/2003). Tại Bệnh viện Việt - Pháp có ngôi miếu thờ các y bác sĩ đã chết trong cuộc chiến chống dịch SARS. Cách đây 17 năm, nơi đây tiếp nhận ca bệnh đầu tiên mắc SARS và cũng là nơi chịu tổn thất nặng nề nhất về người với 6 y bác sĩ đã ra đi mãi mãi. Trên bia tưởng niệm ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003, theo thứ tự thời gian họ ra đi: - Y tá Nguyễn Thị Lượng - 15/3/2003; - Bác sĩ Jean - Paul Dirosier - 19/3/2003; - Y tá Phạm Thị Uyên - 24/3/2003; - Bác sĩ Nguyễn Thế Phương - 24/3/2003; - Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội - 12/4/2003; - Bác sĩ Jacque - 7/2003 (chết sau khi về Pháp). |