Sáng 27/3, tại khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra lễ hội Phủ Trịnh năm 2024 và kỷ niệm 454 năm ngày mất Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm (1570-2023), thu hút đông đảo người dân và du khách về dự.
Tại buổi lễ, ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các đại biểu và đại diện Hội đồng họ Trịnh các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hâng hương tưởng nhớ những đóng góp to lớn của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và các chúa Trịnh đối với đất nước.
Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm sinh ngày 24/8 năm Quý Hợi (1503), niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 đời vua Lê Hiến Tông, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống giàu lòng nhân nghĩa, luôn chăm lo điều thiện ở Biện Thượng (nay là làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng).
Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm đã có những cống hiến quan trọng cho sự phát triển đất dưới thời Lê Trung Hưng, góp phần tạo dựng hình thái Nhà nước phong kiến mới ở Việt Nam vào thế kỷ XVI, XVII.
Ông và các đời chúa Trịnh đã giúp nhà Lê cai quản đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia không bị ngoại bang xâm lấn, đấu tranh giành lại một số vùng lãnh thổ bị vương triều phong kiến Trung Hoa chiếm đoạt, khẳng định vị thế Nhà nước Đại Việt.
Ông và các đời chúa Trịnh đã giúp nhà Lê mở rộng quan hệ bang giao với nhiều nước ở các châu lục trên thế giới và nước Ai Lao để giữ yên phía Tây đất nước; thực hiện các chính sách khuyến khích việc nông trang, chú ý tới phát triển nông nghiệp, lập các chế độ thuế, đo đạc lại ruộng đất, phát triển giáo dục khoa bảng, trọng dụng nhân tài... từ đó tạo nên những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, khẳng định tiềm lực quân sự, ngoại giao của đất nước.
Với những cống hiến xuất sắc của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm cho vương triều Lê và trong công cuộc xây dựng đất nước, vua Lê Anh Tông đã gia phong cho ông chức Thượng tướng quân, Thái quốc công, tôn phong Thượng phụ. Ngày 18/2 năm Canh Ngọ (1570), Minh Khang Thái vương tạ thế ở tuổi 68.
Ngay sau diễn văn khai mạc là lễ chánh kỵ và chương trình nghệ thuật “Trung hưng gấm vóc” đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về với quần thể di tích lịch sử Phủ Trịnh - Nghè Vẹt.