Qua vụ việc một em học sinh tiểu học ở Hà Nội tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón, các bậc cha mẹ nên dạy con một số kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp bị bỏ quên trên xe.
Thông tin về vụ việc bé trai L.H.L (6 tuổi) là học sinh Trường Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong trên ô tô của trường đã khiến dư luận lo ngại. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc cháu bé tử vong là do ngạt khí ô tô.
Vì sao bị ngạt khí trong ô tô khi đóng kín?
Theo các chuyên gia y tế, ngủ trong ô tô đóng kín rất dễ bị ngạt khí, nhất là với phụ nữ và đặc biệt là trẻ em vì đây là đối tượng thiếu hiểu biết, nghịch ngợm, hay thích trốn trong xe để trêu đùa người lớn hoặc cũng có thể do bị bỏ quên.
Dạy ngay cho trẻ những kỹ năng này để thoát hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô (Ảnh: minh họa)
Trẻ bị ngạt khí tử vong khi ngủ trên ô tô có thể do những nguyên nhân sau:
- Trường hợp tắt điều hòa, cửa khóa: Trẻ ngủ quên trên ô tô, trong xe không còn dưỡng khí để thở nên lịm dần và tử vong.
- Trường hợp bật điều hòa, cửa khóa: Hầu hết những xe hiện nay tài xế đều chọn chế độ gió trong. Sau một thời gian khi cảm biến phát hiện thiếu dưỡng khí, điều hòa tự lấy gió ngoài để tăng khí tươi.
Tuy nhiên, không khí ngay ngoài xe lại bị bao phủ bởi khí từ ống xả, chứa nhiều CO, khi trẻ hít vào, CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxi tới các tế bào cơ thể. Từ đó, tế bào thiếu hụt oxy, trẻ sẽ hôn mê rồi tử vong. Nếu sống thì di chứng về não là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài.
Về khả năng có thể bị đột tử trong xe ô tô, trẻ em sẽ có nguy cơ cao hơn người lớn bởi lẽ trẻ em có sức khỏe yếu có thể tử vong do sốc nhiệt kể cả khi xe đỗ trong bóng râm.
Nguyên nhân là thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và nếu đạt mức gần 42 độ C có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia đã phân tích: Khi ô tô đóng kín cửa, tắt điều hòa, để ngoài trời nắng, hiện tượng hiệu ứng nhà kính sẽ xảy ra. Chỉ trong vòng 10 phút, nhiệt độ trong xe sẽ tăng thêm 20 độ C.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay, thời gian bé trai 6 tuổi tử vong còn phải tùy thuộc vào độ rộng của xe, xe có đóng kín cửa hay không, bé có đang ngủ trước đó hay không. Nếu bé đang ngủ, khả năng tử vong rất nhanh.
Các chuyên gia cũng đặt giả thiết tùy theo ô tô to hay nhỏ sẽ gây ngạt khí khác nhau. Nếu ô tô thiếu oxy, một đứa trẻ sẽ không sống sót quá 5 phút.
Thông thường, nhiệt độ trong xe có thể cao hơn gần gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời. Khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt. Còn nếu đến mức 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan và dễ dẫn đến tử vong.
Sốc nhiệt là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề vì tổn thương não.
Trong môi trường hẹp, nóng, thiếu oxy nhưng thừa khí CO2 sẽ khiến bệnh nhân lịm dần. Càng ở trong môi trường này lâu, nguy cơ tử vong càng cao.
Nếu cho trẻ ở trong ô tô lâu cùng mình, bố mẹ cần chú ý những điều sau:
- Cần chọn đỗ xe ở nơi thoáng đãng, tránh xa không gian chật hẹp, bí khí bởi nếu tai nạn xảy ra, ngay cả khi mở hết cửa bé vẫn sẽ bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.
- Để tránh trẻ bị ngạt khí tử vong khi ngủ trên ô tô, bố mẹ cần hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ oxy cho bé ở bên trong.
- Trường hợp bật điều hòa và đóng kín cửa xe, phụ huynh cần chọn chế độ lấy gió ngoài, bổ sung oxy cho khoang cabin. Đặc biệt, bố mẹ cần phải quan tâm, chú ý đến trẻ hơn, không được để lại mình bé trên ô tô. Trước khi rời khỏi xe, nên kiểm tra lại trong xe để tránh để quên trẻ hay đánh rơi đồ vật gì dễ gây cháy nổ.
Ngoài ra, ngay từ khi còn nhỏ, phụ huynh cũng cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để thoát thân như: chỉ cho con cách bấm còi xe, cách mở lẫy khóa từ bên trong hay dung búa thoát hiểm…
Hiện nay nhiều bậc phụ huynh đều trang bị cho con, em mình các thiết bị di động, đồng hồ thông minh. Do đó, hãy dạy bé kỹ năng liên lạc với cha, mẹ hay người ngoài để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngoài các số điện thoại lưu trực tiếp trên điện thoại, cha mẹ cũng cần dạy các em gọi đến các số điện thoại của cảnh sát, cứu thương khi gặp phải sự cố.