Viên đá hình vuông, màu đen xám, hai mặt có khắc chữ. Đặc biệt, khi đặt vào vết thương do rắn độc cắn, viên đá dính như nam châm bám chặt vào da thịt. Sau khi hút hết nọc thì tự động rớt xuống.
Gốc tích viên đá
Chủ nhân hiện đang sở hữu viên đá kỳ lạ này là ông Vũ Văn Khản, ở thôn Dương Cước, xã Hồng Thái, (Kiến Xương, Thái Bình). Ông được cha ông truyền lại cho viên đá này và hơn 50 năm qua, ông Khản không sử dụng viên đa với mục đích thương mại mà chỉ dùng để cứu người lúc nguy nan.
Ông Khản và viên đá hút nọc rắn
Khi nghe kể về viên đá có khả năng hút nọc của các loại rắn độc, nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ và lấy làm lạ, nhưng qua tìm hiểu thực tế tại địa phương được biết, nhiều người bị rắn cắn đã được chữa khỏi nhờ phương pháp đặc biệt này.
Ông Nguyễn Quang Vịnh, Trạm trưởng trạm y tế xã Hồng Thái khẳng định: “Không những người dân thôn Dương Cước mà nhiều người bị rắn độc cắn ở nơi khác đến nhà ông Khản chữa trị đều khỏi hoàn toàn và không hề có bất cứ tai biến gì”.
Ông Vịnh cho cho biết, ông Khản không phải là bác sĩ nhưng có viên đá rất kỳ lạ có thể hút được nọc độc của các loại rắn độc. Phương pháp chữa của ông Khản không dùng thuốc mà dùng viên đá đặt vào vết cắn. Nếu là rắn độc, viên đã tự động dính chặt vào vết cắn. Sau khi hút hết độc thì viên đá tự động rơi ra ngoài.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nằm cuối thôn, ông Khản không giấu giếm khi chia sẻ về viên đá này. Nhẹ nhàng lấy viên đá được bảo quản cẩn thận trong một chiếc hộp kín, ông Khản kể, từ thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, ông nội ông có nuôi giấu cán bộ trong nhà và cất giấu tài liệu bí mật cho cách mạng. Trong số các cán bộ nương nhờ tại gia đình, có một cán bộ người gốc Thanh Hóa, trước khi di chuyển, người cán bộ này tặng lại gia đình một viên đá làm vật kỷ niệm và có dặn dò là viên đá có tác dụng hút nọc mỗi khi bị rắn cắn.
Khi ông nội qua đời, viên đá được truyền lại cho cha ông là cụ Vũ Văn Vần. Theo ông Khản, hồi còn trẻ, nhiều lần được chứng kiến cha sử dụng viên đã để cứu người bị rắn cắn.
Ông tâm sự: “Bản thân tôi cũng không biết bên trong viên đá này có năng lượng gì, nhưng qua nhiều lần áp dụng cứu chữa cho người bệnh, tôi phát hiện ra viên đá có khả năng hút nọc độc rắn trong tức thì. Rõ nhất là sau khi hút độc, vết thương do rắn cắn không bị sưng tấy mà hồng hào trở lại, người bệnh cũng không còn cảm giác tê buốt”.
Viên đá hình vuông, hai bề mặt có hình chứ U
Hút nọc như nam châm.
Theo quan sát bằng mắt thường, viên đá hình vuông, màu đen xám, kích thước khoảng 2,5 cm, dày 1cm, nặng khoảng 50gram. Đặc biệt, trên hai bề mặt viên đá có một lỗ tròn, bên trong lỗ tròn có khắc hình chữ U.
Theo lời ông Khản, khi có người bị rắn cắn đến nhờ chữa trị, chỉ cần lấy viên đá ra đặt lên vết cắn. Thời gian chữa trị tùy theo vết cắn sâu hay nông. Nếu vết cắn còn mới, thì chỉ cần 1 giờ đồng hồ, lâu hơn thì cũng chỉ 2 giờ đồng hồ là viên đá sẽ hút hết nọc độc,
Điều kì lạ là nếu vết cắn do rắn độc, viên đá sẽ dính chặt vào vết cắn, hút cho đến khi hết độc mới tự động nhả ra. "Nếu là rắn thường, không có độc tố, viên đá sẽ không dính vào da thịt mà tự động nhả ra ngoài”, ông khẳng định.
Mặc dù chưa được kiểm chứng khoa học, nhưng viên đá kỳ lạ mà ông Khản đang lưu giữ đã cứu sống được nhiều người thoát khỏi “thần chết”. Không những người dân trong thôn, mà các xã, tỉnh thành lân cận, khi hay tin ông có viên đá có thể chữa rắn cắn, nhiều người đã tìm đến nhà chữa trị và đều được chữa khỏi.
Cận cảnh viên đá có tác dụng hút nọc rắn kỳ lạ
Ông Nguyễn Văn Cậy nhà ở thôn Xuân Cước (xã Hồng Thái) từng bị rắn hổ mang phì cắn vào bắp chân khi đang dọn vườn nhớ lại: “Khi bị rắn cắn, lúc đó bắp chân sưng to và đau nhức, các con cháu tôi đưa đến nhà ông Khản. Sau hơn 40 phút hút nọc bằng viên đá, tôi có thể đi lại bình thường và không còn cảm giác sưng tấy hay đau đớn”.
Hay như trường hợp của bà Lê Thị Thẹo ở thôn Xuân Cước trong khi đi cắt lúa bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay. Sau khi được chuyển đến trạm y tế xã, sơ cứu, người nhà đưa bà đến nhà ông Khản, nhờ viên đá mà bà được cứu sống.
Trong cuốn ghi nhật ký bệnh nhân dày cả trăm trang, ông Khản kể về trường hợp một cháu bé tên Mai ở (Quỳnh Côi, Thái Bình). Ngày đó, cháu Mai bị rắn cạp nong cắn khi ra đồng cùng mẹ. Do ở xa nên khi người nhà đưa tới nơi, cháu đã mê man. Nhưng nhờ viên đá hút độc, ông Khản đã cứu sống ca bệnh thập tử nhất sinh này.
Một vài lý giải khoa học
Trao đổi với PV báo Công lý, Tiến sỹ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, việc một người dân ở Thái bình có viên đá chữa rắn cắn tuy chưa giải thích được căn nguyên, nhưng về mặt khoa học thì đó là sự thực không thể phủ nhận.
Ông Khanh lý giải, trong thế giới tự nhiên có những chất tương sinh tương khắc nhau, có thể làm tăng hoặc giảm, thậm chí là khử hẳn (hoặc triệt tiêu) đặc tính lý hóa của nhau.
Trong thế giới động vật, có những thứ rất kỵ nhau: như khi bị rết cắn, lấy nước dãi của con gà hoặc nhựa của con ốc sên bôi vào chỗ rết cắn để chữa thì rất hiệu quả. Hay khi bị lông bọ róm thì rất ngứa rát, nhưng chỉ cần lấy ruột của chính con bọ róm đó bôi vào thì dịu ngay bởi các chất trong ruột của con bọ róm đó chính là chất “khắc tinh” với chất độc của lông bọ róm.
Ông Khanh lấy dẫn chứng, trên thế giới, cũng có nhiều bộ lạc chữa rắn độc hoặc các loại trùng thú cắn bằng các loại lá cây, và đặc biệt có những bộ lạc cũng dùng những viên đá để hút nọc độc. Các viên đá này có tính năng đặc biệt, có thể tương khắc với nọc độc của rắn hoặc nọc độc của trùng thú.
Theo ông Khanh, việc chứng minh tác dụng của viên đá chữa rắn cắn, có thể căn cứ vào hồ sơ ghi chép của gia đình tại Thái Bình trong mấy chục năm qua, và cũng có thể kiểm chứng cho hút các nọc độc của rắn trong phòng thí nghiệm.
Về ý nghĩa khoa học, nếu đem viên đá đó vào phân tích đặc tính lý hóa trong các thiết bị của khoa học hiện đại thì cũng có thể tìm ra được nguyên nhân tại sao nó có thể hút được nọc độc của rắn. Nhưng trên phương diện về Y học, người ta thường dùng lý thuyết xác suất để kiểm chứng.
“Khi muốn đưa một loại thuốc mới vào sử dụng chữa bệnh, người ta cũng thường phải kiểm định trên động vật (chuột bạch) hoặc trên những người tình nguyện để kiểm chứng, khi số lượng thống kê đủ lớn và đảm bảo độ tin cậy cao thì người ta có thể đưa vào sử dụng chứ không nhất thiết cứ phải chờ giải thích bằng lý luận”, ông Khanh nhấn mạnh.