Sáng 9/9, TAND TP.HCM và VKSND TP.HCM tổ chức buổi lễ ký kết quy chế phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Đến dự buổi lễ có ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Trưởng ban Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM; ông Lê Thanh Phong, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP.HCM; ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP.HCM; các Phó Chánh án, lãnh đạo các Phòng, Tòa và TAND 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức; các Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, lãnh đạo các Phòng, VKSND 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Quy chế quy định nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp giữa VKSND và TAND hai cấp TP.HCM trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự nhằm giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hạn chế thấp nhất các vụ án bị hủy, sửa do có lỗi.
Quy chế quy định cụ thể các công việc phối hợp và thời hạn xử lý. Cụ thể, phối hợp trong việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; Về việc gửi quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp; Phối hợp trong việc xác định thời gian mở lại phiên tòa, phiên họp, chuyển hồ sơ vụ án hành chính, vụ việc việc dân sự; Gửi văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên, áp dụng, không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; Phối hợp trong hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Phối hợp trong việc gửi bản án, quyết định, các văn bản tố tụng; Trả lời văn bản kiến nghị cho Viện kiểm sát; Phối hợp trong việc gửi thông báo thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo và gửi văn bản giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự; Thực hiện thủ tục kháng cáo, kháng nghị; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; Công tác thống kê, báo cáo; Phối hợp trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện và chế độ hội họp lãnh đạo liên ngành.
Bên cạnh đó, quy chế quy định công tác phối hợp đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên biệt phái. Cụ thể, Điều 17 quy định công tác phối hợp trong việc biệt phái Thẩm phán, Kiểm sát viên trung cấp tại TAND và VKSND quận, huyện, TP. Thủ Đức giải quyết một số vụ án dân sự sơ thẩm cụ thể thuộc thẩm quyền của TAND TP.HCM.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày TAND TP.HCM ra Quyết định phân công Thẩm phán (biệt phái) giải quyết, xét xử vụ án, TAND TP.HCM gửi Quyết định phân công Thẩm phán cho VKSND TP.HCM để VKSND ra Quyết định phân công Kiểm sát viên (biệt phái) thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật và tham gia phiên tòa giải quyết vụ án.
VKSND TP.HCM gửi quyết định phân công Kiểm sát viên (biệt phái) cho VKSND cấp huyện và TAND cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ việc.
VKSND cấp huyện nơi có Kiểm sát viên được phân công nhận được Quyết định phân công do VKSND TP.HCM gửi đến, có trách nhiệm gửi Quyết định phân công Kiểm sát viên (biệt phải) đến TAND cùng cấp. TAND cấp huyện nơi có Thẩm phán biệt phải chuyển hồ sơ vụ án, Quyết định đưa vụ án ra xét xử và các văn bản tố tụng khác cho VKSND cùng cấp theo quy định chung.
Ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP.HCM cho biết, trong giải quyết án dân sự, hành chính còn có những nội dung mà luật và các văn bản dưới luật chưa quy định, chưa cụ thể và những nội dung cần thiết đặt ra trong thực tiễn cần phải điều chỉnh. VKSND TP.HCM đề xuất TAND TP.HCM xây dựng quy chế phối hợp để cụ thể hóa những nội dung cần thiết, phát sinh trong thực tiễn và điều chỉnh một số nội dung trong mối quan hệ phối hợp.
VKSND TP.HCM xác định, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự, hành chính là chú trọng công tác phối hợp với TAND TP.HCM. Quy chế phối hợp đã tạo ra một lề lối trong mối quan hệ phối hợp giữa hai đơn vị, đề cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Đức Thái mong muốn TAND hai cấp và VKSND hai cấp TP.HCM nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung trong quy chế.
Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cảm ơn sự sự chủ động VKSND TP.HCM và góp ý TAND hai cấp TP.HCM trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp. Quy chế phối hợp có nhiều vấn đề mới, cụ thể như Điều 17, quy định việc phối hợp biệt phái Thẩm phán, Kiểm sát, đây là đặc thù của TP.HCM, trên thực tế đã diễn ra nhưng chưa có quy định nào điều chỉnh.
Mặt khác, quy chế đã ấn định thời gian cụ thể việc chuyển giao các văn bản tố tụng, khắc phục tình trạng chậm trễ giữa hai cơ quan và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đây cũng là bước cụ thể hóa việc đổi mới, cải cách hành chính tư pháp, một trong những bước để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như cụ thể hóa Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, hệ thống tư pháp phải đối mặt với những thách thức mới, số lượng các vụ án hành chính, dân sự gia tăng không ngừng và đặt ra yêu cầu chúng ta phải nâng cao chất lượng. Vì vậy, TAND hai cấp TP.HCM cần quán triệt, khẩn triển khai thực hiện quy chế phối hợp vào thực tiễn, đặc biệt quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết các vụ án đúng thời hạn luật định.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Thực hiện đầy đủ các các quy định trong quy chế phối hợp, trong quá trình thực hiện tiếp tục rà soát, bổ sung. Hàng năm có tổ chức đánh giá hiệu quả của quy chế, cũng là nền tảng để góp ý xây dựng sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hành chính trong thời gian tới.
Chánh án Lê Thanh Phong cho rằng, việc thực hiện đúng, đầy đủ quy chế không chỉ là trách nhiệm của mỗi cơ quan mà còn thể hiện sự cam kết về chất lượng trong công tác giải quyết các vụ án dân sự nói chung, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tạo sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống tư pháp TP.HCM.