Kỳ cuối: Chân dung kẻ thủ ác và hội chứng Stockholm

congly.com.vn| 13/04/2012 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho đến giờ, vụ án Jaycee Dugard vẫn đặt ra nhiều câu hỏi khó lý giải: Tại sao một kẻ có tiền sử nhiều lần hiếp dâm lại dễ dàng khống chế và che giấu cả một gia đình nhỏ ngay trước mũi Cảnh sát trong hàng chục năm trời? Và, tại sao nạn nhân lại không hề nghĩ đến chuyện chạy trốn, mặc dù cô hoàn toàn có điều kiện để làm việc này?


Kẻ cưỡng dâm “hàng loạt”


Điều đáng nói là trước khi bắt giữ và cưỡng bức Jaycee Dugard, Phillip Garrido đã là một tội phạm có tiền sử cưỡng dâm “dài dằng dặc”. Ngay từ khi đi học, y đã đánh đập và cưỡng hiếp một cô bạn cùng trường. Tiếp đó, Garrido bị tố giác cưỡng hiếp một cô gái ở Antioch. Cô gái 14 tuổi này nói rằng hắn đã ép cô uống thuốc ngủ và cưỡng hiếp cô khi cô đang mê ngủ. Tuy nhiên, cô bé từ chối làm chứng và tội danh này bị bác bỏ. Sau những lần phạm tội kiểu “bất chợt”, Garrido dành cả mùa thu 1976 để lên kế hoạch. Hắn lén đi theo phụ nữ và thuê một kho hàng nhỏ ở Reno để ở.

Vào ngày 26-10-1976, hắn cầm theo 4 hộp axit và tấn công người phụ nữ mà hắn đang theo dõi, người này chống cự và bỏ chạy. Thất bại, hắn vào sòng bạc và giả vờ nhờ một người quen ở đó đưa về nhà rồi sau đó trói chân tay người phụ nữ này. Tại căn phòng nhỏ, hắn đã cưỡng hiếp người này liên tục suốt 6 giờ. May mắn là một Cảnh sát đã phát hiện ra chiếc ôtô đỗ ở ngoài căn nhà kho có vẻ khả nghi. Viên Cảnh sát gõ cửa, người phụ nữ thoát nạn còn Garrido phải hầu Tòa.

Phillip Garrido và vợ


Trong phiên tòa, Garrido thừa nhận hắn thường thủ dâm khi nhìn thấy các bé gái trước ngôi trường tiểu học, ngoài ra còn thường xuyên dùng cần sa, ma tuý và LSD (một loại chất gây ảo giác). Hắn bị kết án bắt cóc, cưỡng hiếp và chịu án 50 năm tù và bị tống vào nhà tù ở Leavenworth, Kan. Trong thời gian thụ án tại đây, Garrido làm quen và mồi chài được một nữ nhân viên phục vụ tại các nhà tiếp dân tên là Nancy Bocanegra. Giáo sĩ của nhà tù làm chứng cho lễ cưới của hai người vào năm 1981. Nhờ cải tạo tốt và tỏ ra thân thiện, Garrido chỉ phải ở tù 10 năm và được trả tự do có điều kiện vào năm 1988.


Tuy nhiên, có vẻ như vợ của Garrido cũng là một kẻ bệnh hoạn giống y. Kể từ khi cặp đôi này cưới nhau cho đến vụ án của Jaycee vỡ lở, Cảnh sát tình nghi Garrido có liên quan trong hàng loạt vụ mất tích khác. Cảnh sát Dublin điều tra xem Garrido có phải là kẻ đứng đằng sau vụ mất tích của Ilene Misheloff năm 1988 còn Cảnh sát Hayward thì tìm hiểu xem liệu y có bắt cóc Michaela Garecht cùng năm đó không? Thi thể của 9 phụ nữ bị cưỡng hiếp và bị giết từ 1998 đến 2002, phần lớn là gái mại dâm được tìm thấy trong khu công nghiệp mà Garrido từng làm việc có phải là nạn nhân của y; bộ xương được tìm thấy gần nhà Garrido có phải là dấu vết của một vụ trọng án khác không? Cho đến giờ, những câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp.
Hội chứng Stockholm và bí ẩn trong tâm lý con người


Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, các nhân viên FBI và cảnh sát cảm thấy ngỡ ngàng trước sự sơ sài của nơi giam giữ mà Garrido đã dựng lên cho mẹ con Jaycee. Một hàng rào dây thép ngăn cách nhà ở với khu vườn um tùm cây cối, như một bãi phế thải bỏ hoang hôi hám và bẩn thỉu. Trong vườn, y dựng nhiều lều trại nhỏ, các gian phòng be bé, nhiều hầm nhỏ như nơi trốn tìm của con trẻ. Một trong những phòng nhỏ như vậy có điện nước sơ sài, và chỉ mở cửa được từ bên ngoài. Đây là nơi Jaycee Lee Dugard bị giam hãm suốt 18 năm qua. Cách phòng này một đoạn, lủng lẳng chiếc xích đu và một số đồ chơi trẻ em đơn giản.


Hoàn cảnh như thế rất dễ dàng cho Jaycee có thể trốn thoát, nhưng trong suốt gần 20 năm, có vẻ như cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Cô yên lòng với thân phận mất tự do và không được học hành, phát triển năng lực. Cô cũng không nhớ tới quyền lợi tương tự của hai đứa bé con cô và quên luôn trách nhiệm của một người mẹ. Các nhà khoa học đang chú ý đến trường hợp ứng xử không bình thường này. Đây là tổng hoà của ít nhất hai yếu tố, tâm lý và xã hội. Về mặt xã hội, pháp luật và việc thực thi pháp luật không phải lúc nào cũng thoả đáng và triệt để. Do đó, những người yếu bóng vía hay mang bản năng sinh tồn quá mạnh sẽ an phận thủ thường, cam chịu những bất công và phi lý xiềng xích mình. Về mặt tâm lý, nạn nhân của những tên tội phạm bắt cóc có thể sẽ chấp nhận tội ác của chúng, và có cảm tình với kẻ lý ra phải bị căm ghét.


Tình huống này được gọi là hội chứng Stockholm, từng biểu hiện thường thấy ở các nạn nhân bị bắt cóc, được lấy tên từ một trường hợp 5 nhân viên ngân hàng Kreditbank tại thủ đô Thụy Điển Stockholm sau khi bị cướp và giam giữ làm con tin từ ngày 23 đến 28-8-1973 đã kết thân với bọn cướp và sau khi được giải cứu thì đã đứng ra bênh vực cho các thủ phạm. Bác sĩ Nils Bejerot đã làm việc cùng với Cảnh sát và đặt tên cho hội chứng này sau đó được loan đi khắp nơi. Từ đó trở đi các Bác sĩ đã ghi lại được hàng chục trường hợp Stockholm và đăng tải trên tập san Y học Acta Psychiatrica Scandinavia và phân tích nguyên nhân cũng như cơ chế của hiện tượng lạ lùng này và cho rằng giới truyền thông và báo chí đã không hiểu rõ tình trạng tâm lý bất thường của các nạn nhân nên đã làm cho dư luận có những hiểu lầm và phán xét sai lạc.


Hải Yến (theo Reuters)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ cuối: Chân dung kẻ thủ ác và hội chứng Stockholm