KONICA MINOLTA coi mặt đặt giá!

Luật sư Lương Vĩnh Kim| 12/09/2015 09:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Công ty TNHH phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) có đặt hai máy in màu kỹ thuật số C1100 của hãng Konica Minolta với độ chênh lệch giá hơn 2,1 tỉ khiến người tiêu dùng nghĩ rằng Konica Minolta đã bán hàng theo kiểu coi mặt đặt giá.

Công ty TNHH phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook), địa chỉ: 474 Nguyễn Thị Minh Khai, P.2, quận 3, TP.Hồ Chí Minh có đặt chiếc máy C1100 thứ nhất mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại - Tư Vấn - Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng; chiếc máy C1100 thứ hai mua khuyến mại của Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) với giá 1.289.278.000 đồng.

KONICA MINOLTA coi mặt đặt giá!

Chiếc máy C1100 thứ nhất mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại - Tư Vấn - Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng

KONICA MINOLTA coi mặt đặt giá!

Chiếc máy C1100 thứ hai mua khuyến mại của Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) với giá 1.289.278.000 đồng.

Điều đặc biệt là cả hai chiếc máy cùng model C1100 này đều do một người mua, lắp đặt năm 2015, từ một nhà cung cấp là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) - Sao Nam và STS chỉ là hai đại lý thương mại của KMV.

Lâu nay, hiện tượng gian lận thương mại, nâng khống giá, khuyến mại gian dối để lừa người tiêu dùng xảy ra khá thường xuyên, nhưng với những thương nhân hoạt động lâu năm trên thương trường thì rất ít khi bị lừa với số tiền chênh lệch nhiều đến thế. Để lừa lấy được khoản tiền lớn như thế tất nhiên KMV phải có thủ đoạn tinh vi, được xây dựng công phu thành chính sách giá, chính sách bán hàng tại thị trường đặc thù như Việt Nam.

Đầu tiên, Hãng Konica Minolta (KMV) hết sức bí mật về giá. Trên website konicaminolta.com.vn chỉ giới thiệu các sản phẩm nhãn hiệu Konica Minolta chứ không niêm yết giá. KMV là doanh nghiệp Việt Nam với 100% vốn nước ngoài. Họ được quyền giao dịch bán hàng trực tiếp tại thị trường Việt Nam nhưng ít khi họ bán hàng trực tiếp mà tổ chức ra các đại lý thương mại, những cộng tác viên rồi chỉ đạo nhân viên bán hàng theo chính sách bí mật giá, coi mặt đặt giá.

Những nhân viên, những đại lý của họ sẽ tìm kiếm những con mồi là khách hàng mục tiêu để chiêu dụ mua hàng. Khi khách hàng yêu cầu báo giá, KMV, các đại lý thương mại và nhân viên sẽ tìm hiểu kỹ khách hàng rồi mới báo giá. Các phiếu báo giá của họ tại cùng thời điểm, cùng người báo, có thể chênh nhau đến vài tỉ đồng.

Để hợp pháp hóa số tiền chênh lệch lớn không vênh trên sổ sách, chứng từ nhập khẩu và khai thuế, KMV đẩy các thương vụ bán hàng qua các đại lý thương mại bằng thủ đoạn báo giá. KMV là bên giao đại lý nhưng sẽ báo giá cao hơn bên nhận đại lý, nhằm buộc con mồi phải mua hàng qua đại lý. Khi có tranh chấp xảy ra, trách nhiệm thuộc về đại lý, KMV đứng ngoài cuộc.

Nếu khách hàng là người có kinh nghiệm, có khả năng điều tra giá thì họ phối hợp báo giá theo kế hoạch giữa KVM và các đại lý. Nếu khách hàng không có kinh nghiệm, hoặc khách hàng đòi hoa hồng thì KMV giao hoàn toàn cho đại lý báo giá, bán hàng và chịu trách nhiệm. Chính sách bí mật giá đáp ứng được nhu cầu chung chi hoa hồng của thị trường đa thành phần kinh tế.

Việc hạch toán các khoản hoa hồng, chia chác là khó khăn và rất rủi ro đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; vì vậy, KMV đã đẩy trách nhiệm này cho đại lý thương mại.

So sánh 8 bản báo giá máy C1100 của KMV và các đại lý thương mại Sao Nam, STS, Sao Nam An, người ta bàng hoàng với các mức giá khác nhau như sau: KMV báo giá 3,3 tỉ và 2,2 tỉ; Sao Nam báo giá 3,8 tỉ và 2 tỉ; STS báo giá 1,7 tỉ và 1,9 tỉ, Sao Nam An báo giá 1,8 tỉ và 3,8 tỉ. Không công khai giá, không niêm yết giá, báo giá loạn xạ lừa dối khách hàng, KMV và các đại lý của họ đã vi phạm vào Điều 6, Điều 12 Luật Giá.

Máy C1100 là máy in công nghiệp, thường được doanh nghiệp dùng để in gia công kiếm lời. Doanh nghiệp bị lừa mua máy giá cao, phải đẩy giá sản phẩm trang in cao, không được thị trường chấp nhận. Lỗ và phá sản chỉ là vấn đề thời gian, nhất là những doanh nghiệp nhỏ. Đã có và sẽ còn nhiều nạn nhân nếm quả đắng như Saigonbook.

KMV là chi nhánh kinh doanh của Công ty Konica Minolta Business Solutions Asia - Singapore, hoạt động dưới sự điều hành của tập đoàn Konica Minolta Inc Nhật Bản. Họ kinh nghiệm trên thương trường, có luật sư tư vấn giúp họ né tránh trách nhiệm trước luật pháp.

Bất luận trong trường hợp nào thì người Việt Nam cũng phải gánh chịu hậu quả tiền mất, nợ mang. Nếu có mệnh hệ gì thì người Việt Nam cứ cay đắng quần thảo nhau tranh chấp hợp đồng thương mại, còn KMV và người Nhật thì chuyển tiền về nước và trả lời: KMV không có bất cứ hợp đồng nào bị kiện!

Tuy nhiên, trong thương mại, nguyên tắc thiện chí, trung thực được coi trọng và đã được qui định tại Điều 6 BLDS Việt Nam. KMV là bên giao đại lý, có quyền và nghĩa vụ theo qui định tại Điều 172 và 173 Luật Thương mại. Do đó, KMV có trách nhiệm trả lời trước báo chí và công luận về sự chênh lệch giá giữa các bản báo giá do chính họ và các đại lý của họ đưa ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
KONICA MINOLTA coi mặt đặt giá!