Kinh tế Việt Nam: Tự chủ, tự cường, không lệ thuộc

Phương Nam| 28/05/2014 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày gần đây, cùng với sự kiện Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến tình huống khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc có thể sẽ có đòn trả đũa bằng kinh tế.

Khi đó, liệu nền kinh tế Việt Nam có bị lung lay?

Trung Quốc: Thị trường quan trọng nhưng không phải tất cả

Tại Kỳ họp Quốc hội trước, vào tháng 5/2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã từng bày tỏ sự quan ngại: Việt Nam có thể trở thành “bãi đáp công nghệ thấp” cho các nhà đầu tư Trung Quốc, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường. Vì vậy, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, hội nhập phải đi đôi với tăng sức cạnh tranh và bảo hộ hợp lý, nếu không thì chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà.    

Một năm sau, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, với sự kiện Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu ý kiến về việc Việt Nam phải tự chủ về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, nhiều năm qua, xuất khẩu của nước ta tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên, vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài.

Những băn khoăn, trăn trở nói trên cho thấy người Việt Nam luôn mang trong máu của mình ý thức tự chủ, tự cường, mà muốn tự chủ, tự cường, một mặt chúng ta phải hội nhập, mặt khác phải chủ động và không “dựa dẫm”, lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào trên thế giới.

Những trăn trở đó không phải là không có cơ sở khi nhìn vào những con số: Riêng với đối tác Trung Quốc, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2013, là 36,9 tỷ USD. Ngược lại, Việt Nam đã xuất khẩu 13,3 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, phần lớn là nông thủy sản, khoáng sản. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản xuất qua Trung Quốc chiếm tỷ lệ hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Năm 2013, Việt Nam xuất chính ngạch sang Trung Quốc hơn 2 triệu tấn gạo, chiếm 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu.

Không phủ nhận, Trung Quốc hiện đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, vì vậy ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ là đối với Việt Nam mà còn với nhiều nền kinh tế khác. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng không đồng nghĩa với sự lệ thuộc.

Về đầu tư, hiện nay Trung Quốc đứng vị trí thứ 9 trong số các nhà đầu tư ở Việt Nam với khoảng 7 tỷ USD vào Việt Nam, nhiều dự án đầu tư có ảnh hưởng quan trọng, ví dụ đầu tư sản xuất nguyên, vật liệu phụ liệu cho xuất khẩu, đầu tư ngành điện, giao thông. Tuy nhiên, các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện dù giá bỏ thầu rẻ nhưng quá trình thi công thường bị đội giá, chậm tiến độ, chất lượng công nghệ thấp. Đối với các dự án này, Việt Nam không khó để tìm nhà thầu thay thế.

Cùng với sự lớn mạnh của các nền kinh tế trong khu vực, tác động của các hiệp định thương mại và sự đa dạng nguồn cung trong thế giới phẳng, việc giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc không phải là vấn đề quá nan giải đối với kinh tế Việt Nam.

Theo TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách: Nhập siêu từ Trung Quốc không phải là điều “nguy hại” đối với kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta có công nghệ tốt hơn hiện nay. Singapore nhập siêu lớn với Trung Quốc nhưng quốc gia này có công nghệ và có khả năng xuất khẩu các hàng có giá trị gia tăng lớn sang các nước khác và sang chính Trung Quốc từ nguồn hàng nhập khẩu này.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết: Các DN nhựa đã chủ động giảm dần tỉ lệ nhập hạt nhựa từ Trung Quốc. Do thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN bằng 0 nên hiện các DN nhựa đã tăng nhập nguyên liệu của các nước trong khu vực, nhất là Singapore. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN lựa chọn.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, không tỏ ra quan ngại: Chính sách của Trung Quốc là đẩy mạnh bán hàng vào Việt Nam nên giao thương qua đường biên mậu sẽ không ảnh hưởng nhiều. Còn về đường chính ngạch, tự do thương mại đã mở rất nhiều, nơi nào có thị trường tiêu thụ thì hàng hóa các nước sẽ đổ về.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn có thị trường ASEAN, rộng hơn là thị trường châu Á. Việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước đang rất thuận tiện. DN có thể xuất khẩu sang các nước ASEAN rồi từ các nước này xuất sang những thị trường khác. Hồng Kông cũng là điểm đến lý tưởng mà những DN Việt nên đặt văn phòng tại đó để tiện giao dịch, buôn bán.

Còn đối với lĩnh vực máy móc thiết bị, lâu nay DN chọn nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc bởi giá rẻ nhưng không bền. Trong khi đó, công nghệ từ các nước phát triển như châu Âu giá lại cao. Tuy vậy, theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên Việt Nam - EU, cho rằng khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, DN xuất khẩu vào châu Âu không chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi mà các DN có thể nhập khẩu máy móc công nghệ hiện đại từ châu Âu với mức giá rẻ hơn nhiều so với trước.

Kinh tế Việt Nam: Tự chủ, tự cường, không lệ thuộc

Đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, chủ động nguyên liệu cho sản xuất trong nước

Với ngành may, trước mắt chưa thể chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, chúng ta có thể tận dụng lợi thế trong việc sử dụng nguyên liệu của các nước trong khu vực. Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX) đang có chương trình liên minh dịch vụ trọn gói ASEAN. Theo đó, các nước có thế mạnh về nguyên liệu như Indonesia, Thái Lan sẽ liên kết với Việt Nam là nước có ngành may tốt để tạo chuỗi liên kết. Tham gia chuỗi này, Việt Nam vừa được hưởng lợi thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng 0, nếu xuất sang thị trường Nhật và sắp tới là châu Âu sẽ được hưởng thuế suất 0% (theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU).

Cơ hội thể hiện lòng yêu nước

Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tái cơ cấu, “làm mới” mình, cũng là cơ hội để DN và người dân thể hiện lòng yêu nước.

Ông Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, khi căng thẳng chính trị giữa hai nước xảy ra, xét về mặt thị trường thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn vì họ xuất sang Việt Nam lớn. Việt Nam đang chuyển từ một nền công nghiệp gia công sang sản xuất thì cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hoá thị trường chứ không nên cứ mãi gia công dựa trên nguyên liệu Trung Quốc. Thứ hai, các doanh nghiệp cần định hướng lại chiến lược kinh doanh về thị trường, tái cấu trúc để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn nguyên liệu từ nước ngoài mà cần đa dạng hơn. Kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không nên chỉ nói đến việc không dùng hàng Trung Quốc. Chúng ta cần xây dựng ý thức về dân tộc, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia… Một sản phẩm của Việt Nam chỉ tốt khi tự nó đứng vững trên thị trường nội địa.

Theo ông Lịch, người Hàn Quốc và Nhật Bản rất mạnh về tinh thần dân tộc khi sử dụng sản phẩm nội địa. 97% người giàu Hàn Quốc dùng ôtô trong nước mà không dùng sản phẩm nước ngoài. Các doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần yêu nước bằng việc mạnh dạn cấu trúc lại, nâng cao vị thế của mình trong nền kinh tế. Nếu cứ để sức cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp FDI thì khó gọi là yêu nước được.

Ở góc độ DN, ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Hương (Bình Dương) cho rằng: Ở ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như may mặc, mỗi năm xuất khẩu 18 - 20 tỉ USD. Nhưng hơn 70% nguyên phụ liệu của may mặc phải nhập từ Trung Quốc và số lợi nhuận này do Trung Quốc hưởng trọn. Điều đáng suy nghĩ là những nguyên liệu này không có gì cao siêu cả, tại sao chúng ta không làm được mà lại bỏ ngỏ cho Trung Quốc thống lĩnh. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Hơn lúc nào hết, lúc này Nhà nước phải thay đổi hệ thống chính sách khuyến khích, hệ thống phân bổ nguồn lực, theo tiêu chí hiệu quả sử dụng nguồn lực. Phải khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tạo năng suất cao hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters đã khảng khái: “Không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (độc lập, chủ quyền) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Phát biểu của Thủ tướng một lần nữa khẳng định, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tự chủ, tự cường. Đó cũng chính là câu trả lời cho những luận điệu cho rằng kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, và chúng ta phải nhún nhường trước các hành động gây hấn để giữ “hòa khí”. Và để không bị lệ thuộc, chúng ta phải tự chủ về kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó thể hiện bằng trách nhiệm, nỗ lực và tinh thần yêu nước của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.

Với tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, trong lịch sử, dân tộc Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào, dù là về kinh tế hay chính trị. 50 năm trước, trả lời phỏng vấn của phóng viên Cơ quan Phát thanh-Truyền hình Quốc gia Pháp, về vấn đề liệu Việt Nam có chịu sự lệ thuộc vào Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói: Không bao giờ!  

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ”.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam: Tự chủ, tự cường, không lệ thuộc