Sáng nay, 19/7, Bộ Ngoại giao, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã phối hợp tổ chức tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho hay, cách đây 22 năm, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN đánh dấu nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN tác động mạnh mẽ đến quá trình liên kết kinh tế khu vực.
Phần lớn DN Việt Nam đều quan tâm, tìm hiểu về cộng đồng ASEAN nhưng khảo sát gần đây cho thấy chỉ khoảng 16% DN thực sự hiểu về cộng đồng này. Vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng DN là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam”, đại diện Bộ ngoại giao nhấn mạnh.
Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam"
Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Hidetoshi Nishimura đánh giá, ASEAN đã đạt thành tựu to lớn, đảm bảo ổn định hòa bình cho khu vực Đông Nam Á. Sự thịnh vượng của khu vực dựa vào 3 yếu tố chính là hòa bình, dân số và sự ổn định bình thường. Để đảm bảo được sự ổn định bình thường, chúng ta phải có nỗ lực hết sức mạnh mẽ và ASEAN đã rất nỗ lực. Hiện nay, ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và nền tảng sản xuất chung như EU, qua đó, mang lại cơ hội cho tất cả quốc gia thành viên và cư dân.
ASEAN cũng tạo ra nhiều cơ hội về thị trường cho Việt Nam, vì đây là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Các DN Việt Nam có nhiều cơ hội không chỉ trong chế xuất mà còn là dịch vụ, du lịch và DN Việt Nam cần mở rộng hơn nữa sự có mặt của mình trong khu vực. Ông Hidetoshi Nishimura cũng cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải cách nền kinh tế nội tại.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhìn nhận, Việt Nam trong những năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác trong khối, thương mại của Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng 121%. FDI từ ASEAN đến Việt Nam từ 2006-2016 đã tăng lên 2,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 18% FDI vào Việt Nam. Việt Nam đã nâng cao được năng lực phát triển của mình và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tận dụng được sức mạnh của ASEAN.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trong suốt 22 năm qua, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với ASEAN, cộng đồng kinh tế ASEAN đã mang dấu ấn Việt Nam, trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5% trong thập kỷ qua. ASEAN cũng là thị trường lớn thứ ba, là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ ba cho DN Việt Nam. Trong nhiều năm qua, chiếm tỷ trọng trên 60% kim ngạch xuất khẩu từ ASEAN là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào sản xuất trong nước. ASEAN cũng là nguồn cung FDI quan trọng cho Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN, là động lực giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế quan trọng.
Theo ông Dũng, cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra tiềm năng phát triển to lớn cho các nền kinh tế, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 vẫn còn để lại dư âm, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi bẫy tăng trưởng thấp. Những biến động trong nhận thức, chính sách và hành động của các nước, nhất là các nền kinh tế lớn đang tác động tới tâm lý và trong chừng mực nào đó là phát triển của các nền kinh tế khu vực.
“Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới và cải cách nền kinh tế, tinh thần đổi mới được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và lắng nghe. Ở trong nước Chính phủ tạo môi trường để DN hình thành và phát triển, ở nước ngoài Chính phủ tạo khuôn khổ và môi trường để DN hội nhập. Chính phủ đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng thành công sẽ chỉ đến với những DN nhận được và nắm bắt được cơ hội”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Theo ERIA, trong xu thế các thỏa thuận thương mại đa phương trong khu vực đang có dấu hiệu chững lại, việc nắm rõ tình hình của cộng đồng AEC nói chung và khối ASEAN nói riêng sẽ góp phần giúp các DN Việt Nam nhận ra điểm yếu. Ngoài ra, các DN cũng có cơ hội phát huy điểm mạnh trong hội nhập với khu vực, từ đó hướng ra thị trường toàn cầu.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Giao lưu kết nối DN trong EAC và triển lãm ASEAN 50 năm – hội nhập và phát triển cũng được tổ chức, nhằm tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng DN trong nước. Đồng thời, là cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch, tiềm năng, cơ hội đầu tư của các địa phương và DN tới cộng đồng AEC, khẳng định sự quyết tâm của các thành phần kinh tế Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội thời kỳ hội nhập.
Tình hình thực hiện AEC của Việt Nam ASEAN là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian qua với vị trí đối tác thương mại đứng thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41, 36 tỷ USD năm 2016. Trong 10 năm qua Việt Nam đang là nước nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu sang ASEAN cao hơn tốc độ nhập khẩu từ thị trường này nên trong những năm gần đây mức thâm hụt ngày càng thu hẹp lại và tỷ lệ nhập siêu giảm dần. Trước năm 2010, tính chung ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Về xuất khẩu, đây cũng là thị trường lớn thứ 3 của các DN Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ và EU. Ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp hàng hóa lớn thứ 2 cho các DN Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. |