Kinh phí mua vắc-xin Covid-19 của Hà Nội được lấy từ nguồn nào?

Phong Vân| 04/03/2021 22:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, kinh phí mua vắc-xin Covid-19 có thể đến từ 3 nguồn gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vắc-xin tự chi trả.

Chiều 4/3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2021. Trước câu hỏi của phóng viên về nguồn kinh phí mua vắc – xin Covid-19, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, kinh phí mua vắc-xin Covid-19 có thể đến từ 3 nguồn gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của cá nhân, doanh nghiệp; người sử dụng vắc-xin tự chi trả.

Theo ông Tuấn, ngày 19/2, thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn Covid-19 để tiêm cho người dân, đảm bảo đủ cho người dân Thủ đô trên 18 tuổi, người dân vãng lai cư trú trên địa bàn thành phố.

Về thời gian tiêm vắc-xin, ông Tuấn cho biết phải phụ thuộc vào việc phân bổ của Bộ Y tế. “Chúng tôi cũng đã lên danh sách cụ thể cho các đối tượng được ưu tiên tiêm thời gian đầu là những người trực tiếp tham gia trên tuyến đầu chống dịch. Thành phố sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, và theo số lượng vắc-xin được phân bổ”, ông Tuấn nói.

3(3).jpg
Quang cảnh buổi họp báo.

Về việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội: Vừa qua, hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, Co.opmart... của Hà Nội đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ khoảng 5 tấn nông sản/ ngày từ tỉnh Hải Dương, 3 tấn thủy sản/ngày từ tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho 2 tỉnh này tiêu thụ nông sản, hải sản khó tiêu thụ do dịch bệnh.

Ông Dũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng qua tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu dồi dào, phong phú, giá cả ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 50.839 tỉ đồng, đạt 20,2% dự toán, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi ngân sách địa phương thực hiện hết tháng 2/2021 là 8.615 tỉ đồng, đạt 7,9 % dự toán đầu năm, bằng 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi họp báo, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đã trả lời câu hỏi về thông tin cung vượt cầu, dẫn tới nông sản tại một số địa phương ở Hà Nội ùn ứ, giá rẻ.

Theo bà Lan, năm nay vụ Đông Xuân thời tiết thuận lợi nên nông sản phát triển tốt, được mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua giảm 11,1% so với cùng kỳ. Dù có tháng Tết nhưng sức mua vẫn giảm hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, tháng 2 khi dịch bùng phát nên người dân chủ yếu mua sắm online, ít tập trung đông người.

20210304_182616.jpg
Bà Trần Thị Phương Lan thông tin về thực tế tiêu thụ nông sản tại Hà Nội.

Ngoài ra, do các bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn đóng cửa, bếp ăn trường học tạm dừng nên cũng khiến sức mua, tiêu thụ nông sản giảm hơn so với trước. “Không riêng Hà Nội, các địa phương khác cũng có tình trạng cung vượt cầu”, bà Lan thông tin.

Để tháo gỡ những khó khăn này, theo bà Lan, Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để tìm cách hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các kênh phân phối, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân huyện Mê Linh và các địa phương đề xuất. Phối hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến để mua và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, những sản phẩm này phải đạt tiêu chuẩn và chất lượng.

Bà Lan đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp cần kiên quyết chỉ đạo sản xuất để có kế hoạch, không để người dân trồng tự phát. Điều này sẽ dẫn đến việc dư cung, gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh phí mua vắc-xin Covid-19 của Hà Nội được lấy từ nguồn nào?