TP. Hồ Chí Minh là một trong 16 đơn vị triển khai việc thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.
Sau ba tháng triển khai thực hiện, những kết quả đạt được cũng như hạn chế sẽ là những kinh nghiệm quy báu trong việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay.
Hòa giải thành đạt tỷ lệ trên 80%
Theo báo cáo của TAND TP. Hồ Chí Minh, Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/11/2018 với việc thành lập 10 Trung tâm (tại Tòa án thành phố và 9 Tòa án quận, huyện), có 90 Hòa giải viên, Đối thoại viên và 31 thư ký. Sau 3 tháng hoạt động, các Trung tâm đã đạt được kết quả nhất định, tạo điểm sáng trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính.
Theo đó, tỷ lệ hòa giải thành các loại vụ việc như: Dân sự đạt 40.67%, Hôn nhân gia đình đạt 83.31%, Kinh doanh thương mại đạt 34.62%, Lao động đạt 44.44% và Hành chính đạt 26.92%. Trong đó đáng chú ý có các Tòa án như: Huyện Bình Chánh tỷ lệ hòa giải thành chung tất cả các vụ việc đạt 91,60%, huyện Củ Chi đạt 92,76%, Tòa án quận Bình Tân, Bình Thạnh đều đạt trên 80%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn sau thời hạn thực thí điểm. Đó là, người dân và một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc hòa giải, đối thoại tại Trung tâm, nên nguồn tiếp nhận đơn khởi kiện chủ yếu đến từ việc Tòa án chuyển đơn sang các Trung tâm, rất ít trường hợp đương sự nộp trực tiếp tại Trung tâm, cá biệt, có những Trung tâm từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, chưa nhận trực tiếp đơn yêu cầu hòa giải, đối thoại của đương sự, như Trung tâm thành phố, quận 1, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh và huyện Củ Chi. Đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng, người khởi kiện là ngân hàng có nhiều trường hợp từ chối hòa giải tại Trung tâm.
Các hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP. HCM
Tỷ lệ đơn đủ điều kiện giải quyết tại Trung tâm đối với án hành chính còn thấp do số lượng đơn đủ điều kiện giải quyết không cao, cụ thể: Trung tâm tại TAND thành phố nhận được 124 đơn khởi kiện án hành chính do Tòa án chuyển qua nhưng số đơn do đương sự từ chối giải quyết tại trung tâm hoặc được triệu tập nhưng không đến là 77 đơn, chiếm tỷ lệ 62.10%; phương thức hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên, Đối thoại viên còn thiếu linh hoạt, sáng tạo, chủ yếu hòa giải diễn ra tại Trung tâm, chưa ghi nhận trường hợp hòa giải ngoài trụ sở Tòa án hoặc hòa giải bằng hình thức khác.
Số lượng hòa giải viên, đối thoại viên, thư ký chưa đáp ứng được yêu cầu: Một số Trung tâm có số lượng đơn khởi kiện tiếp nhận từ Tòa án lớn nhưng lượng Thư ký giúp việc thấp, địa bàn hoạt động rộng dẫn đến việc giúp việc cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Trung tâm Củ Chi có số lượng đơn khởi kiện chuyển sang Trung tâm lớn nhất với 1.097 đơn, tuy nhiên chỉ có 3 Thư ký giúp việc, Trung tâm Tân Phú với số lượng đơn tiếp nhận là 557 đơn, Bình Chánh có số đơn là 459 đơn nhưng ở hai Trung tâm này chỉ có 2 Thư ký.
Những khó khăn vướng mắc về chuyên môn cũng đã nảy sinh. Đó là việc xử lý kết quả hòa giải thành; một số biểu mẫu chưa phù hợp với tố tụng dân sự, hành chính… Kinh phí do địa phương hỗ trợ nhưng việc hỗ trợ chưa kịp thời. Về cơ sở vật chất, hầu hết trụ sở các Tòa án đều chật hẹp nên việc bố trí các phòng làm việc, phòng hòa giải còn hạn chế; chưa được trang bị đủ các trang thiết bị phục vụ công việc như bàn ghế làm việc, máy vi tính, máy in, máy photo…
Những đề xuất cụ thể trong xây dựng Luật
Từ thực tế đơn vị mình, bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất một số những nội dung cần đưa vào Luật Hòa giải, đối thoại đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp.
Đó là quy định về địa vị pháp lý của Trung tâm hòa giải, bà Hương cho rằng: dự thảo Luật cần làm rõ hơn về tư cách pháp nhân của Trung tâm. Hiện nay đang thí điểm nên các Trung tâm đều do Tòa án điều hành hoạt động (nhân sự, kế toán, con dấu, cơ sở vật chất). Nên đề nghị Luật cần khẳng định địa vị pháp lý của Trung tâm, Trung tâm cần có con dấu để thuận lợi trong hoạt động. Việc triển khai Luật sẽ thực hiện trên cả nước nên khối lượng công việc rất lớn, do đó, để tạo sự linh hoạt và giải quyết kịp thời yêu cầu thực tiễn từng địa phương thì cần tăng cường thêm trách nhiệm, quyền hạn của Chánh án TAND cấp tỉnh.
Dự thảo Luật hiện tại quy định: Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại do ngân sách nhà nước đảm bảo và được Quốc hội phân bổ theo Luật Ngân sách nhà nước. Hiện nay thí điểm do ngân sách địa phương hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó tại khoản 1, Điều 8 dự thảo Luật quy định về lệ phí công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành: Với “mức lệ phí bằng 50% mức lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án”.
Theo bà Hương, từ thực tế công tác, các Thẩm phán đề xuất nên quy định: “Mức lệ phí công nhận kết quả hòa giải thành, lệ phí công nhận kết quả đối thoại thành bằng 100% mức lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án”. Bởi vì mức lệ phí giải quyết việc dân sự được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án UBTVQH. Nếu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định mức lệ phí bằng 50% mức lệ phí trên dẫn đến nội dung quy định giữa Luật và nghị quyết không thống nhất nhau có thể gây nhầm lẫn cho Thẩm phán trong việc áp dụng pháp luật.
Liên quan đến quy định về tổ chức của Trung tâm hòa giải, đối thoại, Bà Hương đề nghị nên chọn phương án: Phó Chánh án Tòa án cấp tỉnh nơi đặt Trung tâm hòa giải đối thoại là Giám đốc Trung tâm; Chánh án TAND cấp huyện nơi đặt Trung tâm là Giám đốc Trung tâm; phân công Thẩm phán theo chế độ luân phiên sẽ phù hợp hơn. Đề nghị bổ sung chức danh Thư ký giúp việc cho Hòa giải viên, Đối thoại viên; Thư ký giúp việc làm việc tại Trung tâm hoặc có công tác pháp luật từ 5 năm trở lên thì có thể được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên, Đối thoại viên.
Tại Điều 24 dự thảo Luật quy định về chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, khiếu nại hành chính, Tòa án vào sổ nhận đơn và xem xét chuyển ngay đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Giám đốc Trung tâm…
Theo bà Hương, qua việc thực hiện thí điểm, nhiều ý kiến cho rằng các đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, yêu cầu công nhận thỏa thuận khác của các đương sự thì không cần chuyển hồ sơ cho Trung tâm Hòa giải, Đối thoại. Bởi vì mục đích của việc giải quyết hôn nhân đưa qua hòa giải tại Tòa án là để xem đương sự có thể rút đơn hoặc có thể thuận tình ly hôn hay không như cách hiện nay chúng ta đang làm. Nếu đương sự đã thuận tình nộp đơn đồng thuận yêu cầu thì chỉ còn một lý do duy nhất để chuyển sang Trung tâm là xem có rút đơn hay không, trong khi việc này bắt buộc Thẩm phán phải làm khi giải quyết hồ sơ (dù là thuận tình ly hôn hay không thuận tình ly hôn) đều phải hòa giải đoàn tụ trước khi giải quyết các vấn đề khác. Như vậy là không cần thiết cho một quy trình nữa đối với các hồ sơ thuận tình ly hôn hoặc yêu cầu công nhận các thỏa thuận khác của đương sự...