Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Mạnh Nguyễn| 30/03/2020 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh việc cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, cần thực hiện một số nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2001-2020.

Trong quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác phòng chống và dập dịch được đặt lên hàng đầu, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì tăng trưởng để nền kinh tế không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có việc hoãn, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí...

Kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm  thông tin, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020 thì tăng trưởng GDP cả năm đều đạt trên 5%.

Trong đó, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II; dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; Chính phủ có giải pháp giải ngân hết vốn đầu tư công và có các chính sách thuế, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; hệ thống phân phối lưu thông cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch Covid-19 thì nền kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng đạt mục tiêu 6,8%.

Theo Tổng cục Thống kê,  trước mắt, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Cùng với đó, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế;

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đầu tư tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát;  Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để đảm bảo chính sách ban hành được áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Đối với các sắc thuế khác như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường,... Bộ Tài chính không đề nghị gia hạn do các sắc thuế này chỉ thu vào một nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế mới thuộc đối tượng nộp thuế).

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung hoãn, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí cho các DN, tiếp tục cho vay mới tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp