Tập đoàn TH góp phần giảm phụ thuộc sữa nhập khẩu tại Liên bang Nga

Thu Hằng| 20/11/2015 20:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18-19/11/2015, Diễn đàn sữa quốc tế với chủ đề chính: “Chuyển đổi nhập khẩu - hướng phát triển mới trong việc phát triển ngành công nghiệp sữa” diễn ra tại Tòa nhà chính quyền tỉnh Mátxcơva ở ngoại ô Thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga).

Bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH là diễn giả chính, duy nhất tới từ Việt Nam đăng đàn phát biểu và tham gia các thảo luận về sản xuất và chế biến sữa tươi sạch tại Diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham gia của 1.500 đại biểu, đến từ 32 quốc gia trên thế giới, gồm các nhà sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa, các chuyên gia, đại diện giới khoa học. Tham dự Diễn đàn còn có các lãnh đạo cấp cao của Liên bang Nga, tỉnh Mátxcơva và các tỉnh lân cận: ông Arkadiy Dvorkovich - Phó Thủ tướng Liên bang Nga; ông Alexandr Tkachov - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga; ông Andrey Vorobiev - Thống đốc tỉnh Mátxcơva; ông Alexey Gordeev- Thống đốc tỉnh Voronezh…

Diễn đàn này được coi là vô cùng quan trọng nhằm tìm giải pháp cho việc tạo nguồn cung cấp sữa và các chế phẩm từ sữa cho toàn Liên bang Nga trong bối cảnh quốc gia này đang thiếu tới 40% sữa do lệnh cấm vận từ Châu Âu.

Tập đoàn TH góp phần giảm phụ thuộc sữa nhập khẩu tại Liên bang Nga

Các đại biểu dự Diễn đàn Sữa quốc tế

Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động sản xuất sữa, tránh phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu; khẳng định chủ trương hỗ trợ phát triển ngành sữa, thay thế nhập khẩu, thu hút đầu tư nhằm phát triển nền sản xuất quốc nội... của Nhà nước Nga.

Phó Thống đốc tỉnh Mátxcơva Ildar Gabdrakhmanov cho biết, trong năm 2015, tỉnh Mátxcơva đã sản xuất khoảng 640.000 tấn sữa, mới chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu người tiêu dùng. Chính quyền tỉnh Mátxcơva đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ sản xuất được 1 triệu tấn sữa, nhằm đáp ứng 50% nhu cầu.

Các chủ đề thảo luận tại Diễn đàn tập trung vào nội dung rất thiết thực cho việc khởi động kinh doanh sữa tại thị trường này, bao gồm: Đầu tư vào ngành sữa như một xu hướng phát triển nhánh; Công nghệ đổi mới trong quản lý chăn nuôi bò sữa; Phát triển ngành nông nghiệp chăn nuôi như một dự án xã hội nâng cao thể chất quốc gia (trong đó có Sữa học đường); Sản xuất sản phẩm sữa: những yếu tố thành công cho một doanh nghiệp sữa mới; Chuẩn bị hậu cần và tiếp thị để bán sản phẩm sữa.

Với Dự án lớn nhất tại tỉnh Mátxcơva về sản xuất, chế biến sữa tươi sạch, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH được mời phát biểu tại diễn đàn với tư cách là diễn giả chính. Nói về lý do chọn Liên bang Nga là điểm đầu tư  - vấn đề được nhiều đại biểu Nga và quốc tế quan tâm, bà Thái Hương chia sẻ: Từ góc độ kinh tế, thị trường Nga có dư địa kinh doanh vì đang thiếu hụt khoảng 50% nhu cầu sữa nội địa trong thời kì cấm vận. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga đã ban hành những chính sách hấp dẫn để phát triển ngành nông nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sữa tươi vốn đã bị “ngủ quên” trong một thời gian dài; kích thích nhu cầu trong nước nhằm thay thế sữa nhập khẩu.

Tập đoàn TH góp phần giảm phụ thuộc sữa nhập khẩu tại Liên bang Nga

Các diễn giả thẳng thắn trao đổi về những chủ trương chính sách phát triển ngành sữa trong nước của Nga

Bà Thái Hương cũng nhận định, nước Nga có đủ điều kiện tự nhiên (đất đai rộng lớn, màu mỡ; khí hậu phù hợp,…) để phát triển nông nghiệp.

Tập đoàn TH đã thành công trong chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Việt Nam, có sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới. Vì thế, bà khẳng định, Tập đoàn TH hội tụ đủ yếu tố (thiên thời địa lợi) để thành công khi đầu tư sản xuất ngành bò sữa công nghệ cao tại Nga. “Lý do đầu tiên, quan trọng nhất” để Tập đoàn TH đầu tư tại Nga - theo bà Thái Hương là sự sẻ chia, tri ân với những ân huệ mà nhân dân Liên Xô đã dành cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh.

Thông tin tại Diễn đàn cũng cho thấy, Nga là nước nhập khẩu sữa lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 12 – 15% thương mại sữa trên toàn thế giới. Do cấm vận nhập khẩu sữa từ Mỹ và các nước đồng minh, việc cung ứng sữa tại Nga càng trở nên khó khăn. Định mức tiêu thụ sữa của người Nga do Bộ Y tế Nga ban hành năm 2010 là 340kg/người/năm nhưng theo khảo sát của Hiệp hội Sữa quốc tế, người dân Nga chỉ mới sử dụng 173kg/người/năm. Vì thế, theo ông Arkadiy Dvorkovich, Phó Thủ tướng Nga, Dự án của Tập đoàn TH là “luồng gió mới” cho thị trường sữa tươi ở Nga.

Tuy nhiên, với con mắt của nhà kinh tế, bà Thái Hương cho rằng, chính sách cấm vận tại Liên bang Nga chỉ là tạm thời; người dân Nga thói quen ăn sâu vào tiềm thức về sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ Châu  u. Do đó, Tập đoàn TH đầu tư vào Nga sẽ đối diện với thách thức, cạnh tranh với các thương hiệu từ Châu  u. Việc xây dựng thương hiệu TH trở thành một thương hiệu quốc gia tại Nga cần nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân Nga.

Tập đoàn TH góp phần giảm phụ thuộc sữa nhập khẩu tại Liên bang Nga

Các khách hàng tại gian trưng bày sữa của TH

Tại Diễn đàn, bà Thái Hương đề xuất: Đầu tư nông nghiệp có tỷ lệ rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp do vậy Chính phủ Nga cần có những “chính sách đột phá, thực sự hấp dẫn” dành cho những doanh nghiệp, những doanh nhân có đủ Tâm - Trí - Lực để họ đầu tư vào nông nghiệp.

Bà cũng đề nghị hỗ trợ các dự án Nông nghiệp công nghệ cao tối đa theo khung hỗ trợ của Chính phủ; Bảo lưu các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp kể cả sau khi hết cấm vận; Xây dựng hàng rào kỹ thuật, minh bạch đối với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao. Các khuyến nghị của Tập đoàn TH và các doanh nghiệp ngành sữa tại Nga đã được Chính phủ Liên bang Nga và lãnh đạo các tỉnh thuộc Nga lắng nghe và sẽ có các quyết sách phù hợp.

Theo kế hoạch, Tập đoàn TH đầu tư Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa giai đoạn 1 tại Mátxcơva với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1: 500 triệu USD; Tổng đàn bò dự kiến: 45 ngàn con, bò vắt sữa: 21.600 con; Xây dựng nhà máy sữa Công suất 800 tấn/ngày; Nhà máy thức ăn gia súc công suất 400 ngàn tấn/năm. Đây là giai đoạn đầu tư đầu tiên trong chiến lược đầu tư dài hạn 10 năm tại Nga với tổng vốn 2,7 tỷ USD

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn TH góp phần giảm phụ thuộc sữa nhập khẩu tại Liên bang Nga