Người lao động gặp khó vì DN nợ BHXH

Lan Trần| 27/11/2019 10:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền lớn và thời gian nợ kéo dài vẫn diễn ra thường xuyên, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Tháng 4 năm 2014, chị T.T.L chính thức nghỉ việc ở công ty truyền thông, khi làm thủ tục nghỉ việc, chị mới tá hỏa vì không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Hỏi ra chị mới hay công ty nơi chị làm việc đã không đóng BHXH cho chị 15 tháng dù tháng nào công ty cũng trừ tiền đóng BHXH của chị. Không chỉ có chị L. mà các nhân viên trong công ty cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cực chẳng đã, chị phải làm việc với BHXH quận Tây Hồ, nơi công ty chị đóng BHXH để chốt sổ đến thời gian đóng và coi như mất không 15 tháng để tiếp tục chuyển sang cơ quan mới.

Như trường hợp trên còn là may mắn khi công ty nơi chị L. làm việc mới chỉ nợ 15 tháng đóng BHXH của người lao động. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài khiến người lao động rơi vào cảnh khó khăn.

Người lao động gặp khó vì DN nợ BHXH

Công nhân công ty Nam Phương nháo nhác, lo lắng đòi quyền lợi. Ảnh: Baobaohiemxahoi

Theo BHXH Hà Nội, cơ quan này đã nhận được nhiều đơn thư cá nhân lẫn tập thể, lấy chữ ký của hàng trăm lao động khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH khiến quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng. Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết với danh nghĩa là cơ quan bảo vệ quyền lợi lao động, hàng ngày nhận không ít đơn thư của người lao động phản ánh về quyền lợi hưởng chế độ BHXH, BHTN của họ đang bị đe doạ khi doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng, chậm đóng tiền BHXH.

Ông Hùng dẫn chứng có lao động dù đã làm việc ở doanh nghiệp 10 năm, sinh con lần thứ hai nhưng vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp thai sản từ lần sinh thứ nhất chỉ vì doanh nghiệp không đóng BHXH, dù cá nhân người lao động hàng tháng vẫn đóng tiền BHXH theo tỷ lệ quy định.

Tại Đà Nẵng, rất nhiều người lao động ở đây đã trực tiếp liên hệ, nhờ BHXH thành phố tư vấn đòi quyền lợi. Nhiều người cho biết đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, khi có nguyện vọng xin nghỉ việc và muốn rút sổ BHXH nhưng bị doanh nghiệp cố tình giữ sổ BHXH, trì hoãn...

Cùng với việc DN nợ BHXH, tình trạng DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động cũng khiến người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn. Tính đến ngày 30/9/2018, tổng số tiền sợ các loại BHXH của các DN đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động (bị rút giấy phép kinh doanh); đang chờ giải thể, phá sản; DN có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, DN không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh là 1.003 tỷ đồng với 59.000 lao động.

Mới đây, tại văn bản trả lời chất vấn vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đến đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) cho biết, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và bảo hiểm y tế; Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH. Trong đó tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp DN phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Thủ tướng cho biết, về vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các phương án và xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

Để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH tới NLĐ.

Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi trong các DN phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam (số NLĐ, thời gian nợ và tiền lương đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của từng người cụ thể). Kết quả rà soát, thống kê sẽ làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện (tránh tạo ra tiền lệ để các DN khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ). Đồng thời làm cơ sở cho những đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan; đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động gặp khó vì DN nợ BHXH