Ngành ngân hàng xuất hiện những tín hiệu khởi sắc so với năm trước về tăng trưởng lợi nhuận qua quý 1/2014.
Khởi sắc từ lợi nhuận!
Qua một năm 2013 đầy biến động, các ngân hàng đã phải đối diện với hàng loạt khó khăn dẫn đến giảm sút trong kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, đến quý 1/2014, nhiều nhà băng đã công bố lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tín hiệu đầu tiên khởi sắc cho ngành trong quá trình tái cơ cấu.
Ngân hàng BIDV (HOSE: BID) có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 29% so với quý 1/2013 và đạt gần 1,950 tỷ đồng. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 27% với lợi nhuận 277 tỷ đồng. Hai ông lớn còn lại Vietinbank (HOSE: CTG) và Vietcombank (HOSE: VCB) đạt lợi nhuận trước thuế quanh mức 1,500 tỷ đồng. Các nhà băng này đều thực hiện được 20-30% kế hoạch năm 2014 sau khi kết thúc quý đầu tiên.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2014 của các ngân hàng ĐVT: tỷ đồng |
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn “ì ạch” trong việc tìm kiếm lợi nhuận với dấu hiệu kinh doanh giảm sút rõ rệt. Ngân hàng Quốc Dân – Tiền thân là Navibank (HNX: NVB) là ngân hàng đang trong quá trình tự tái cơ cấu, “bộ sậu” quản lý ngân hàng “thay máu” hoàn toàn. Kết quả quý 1/2014 của NVB sụt giảm đến 86% lợi nhuận trước thuế với vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Tình hình của Ngân hàng Đông Á (DongABank) cũng khá đau đầu khi lãi sau thuế sụt giảm đến 60% xuống 404 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đang để mở cho một thương vụ M&A trong thời gian tới.
Vận hạn của Ngân hàng Á Châu (HNX: ACB) không biết đến bao giờ mới kết thúc khi nhà băng này tiếp tục giảm lãi 19% xuống 318 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm sút kết quả kinh doanh này đều ảnh hưởng từ việc giảm thu nhập lãi thuần trong kỳ.
ACB và DongABank đều thực hiện được 27% và 22% kế hoạch năm, riêng NVB mới đi được 3% chặng đường.
Bảng kết quả kinh doanh quý 1/2014 của một số ngân hàng ĐVT: tỷ đồng |
Cũng thuộc diện đang trong quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) chính thức ra đời từ tháng 10/2013 sau thương vụ hợp nhất PVFC và Westernbank, lãi trước và sau thuế trong quý 1/2014 của PVcomBank đạt lần lượt 39 tỷ và 43 tỷ đồng.
Nỗi đau vàng và ngoại hối đã qua
Bên cạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh vàng và ngoại hối không còn là nỗi ám ảnh của các ngân hàng như năm trước khi hầu hết đều có lãi trong hoạt động này. Hoạt động chứng khoán kinh doanh cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng mua bán chứng khoán đầu tư thua lỗ vẫn là “điểm đen” trong bức tranh toàn cảnh đã pha những gam sáng.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước mới công bố chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của hệ thống ngân hàng đến 31/03/2014 là 0.5% và 5.56%, đều tăng trưởng so với cuối năm 2013, trong đó khối Vietinbank và Vietcombank là 0.65% và 8.1%, còn khối ngân hàng TMCP còn lại là 0.34% và 3.91%.
“Đau đầu” tăng trưởng cho vay
Mặc dù tiền gửi, huy động của các nhà băng vẫn tăng trưởng đều đều nhưng vấn đề “bí” đầu ra ở hoạt động cho vay vẫn tiếp diễn.
Một số chỉ tiêu của ngân hàng từ 31/12/2013 đến 31/03/2014 ĐVT: tỷ đồng |
Hoạt động cho vay sụt giảm mạnh nhất là PVcomBank, so với cuối năm trước thì cho vay khách hàng tại PVcomBank giảm gần 10% và dư nợ cho vay ở mức 37,634 tỷ đồng. ACB và DongABank không chỉ giảm lợi nhuận mà hoạt động cho vay cũng tăng trưởng âm.
Tỷ lệ cho vay so với vốn huy động của nhiều ngân hàng đạt từ 80%, trong đó BIDV, Vietinbank, Eximbank có tỷ lệ trên 100%. Riêng tỷ lệ này ở Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) thấp nhất trong các ngân hàng công bố ở mức 61%.
Còn theo tỷ lệ cấp tín dụng so với huy động của toàn hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố đến cuối tháng 03/2014 là 83.64%, giảm nhẹ so với tỷ lệ cuối năm 2013 là 84.71%.
Tăng trưởng tín dụng giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm tổng tài sản của các nhà băng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước công bố tổng tài sản toàn bộ hệ thống ngân hàng tăng trưởng lần lượt đến 5,808,328 tỷ đồng (tỷ lệ 0.9%) nhưng số liệu từ các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2014 trên cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Trong đó ông lớn VCB đã mất gần 5% tổng tài sản, tài sản của EIB cũng ra đi gần 10%.
Nghịch lý nợ xấu vẫn tăng?
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện giúp các ngân hàng giảm nợ xấu thông qua việc bán nợ cho VAMC và hoãn thi hành Thông tư 02, tỷ lệ tăng trưởng cho vay cũng không cao nhưng có vẻ như tình hình nợ xấu của các ngân hàng này lại tiếp tục gia tăng. Và ngưỡng 3% dường như là khá xa vời khi tỷ lệ nợ xấu của NVB và PVcomBank thậm chí đã vượt 5%.
Bảng nợ xấu ngân hàng đến 31/03/2014 ĐVT: tỷ đồng, % |
Đáng lo ngại nhất vẫn là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), chỉ tính những ngân hàng đã công bố, con số này đã vượt trên 22,000 tỷ đồng. “Vô địch” nhóm có khả mất vốn là BIDV hơn 5,560 tỷ, VCB cũng chiếm gần 3,060 tỷ đồng.
Minh Hằng