Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ hàng chục nghìn tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Thanh Phương| 14/09/2021 12:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan trong vụ việc để hơn 11 nghìn tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trái quy định trên đất nông nghiệp.

Ngày 9/9, Báo Công lý có bài "Sững sờ hàng chục nghìn tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp" phản ánh thực trạng, hiện Thanh Hóa có hơn 11.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức xây dựng công trình trái phép trên diện tích hơn 1,5 triệu m2 đất. Vi phạm diễn ra công nhiên, kéo dài khiến dư luận vô cùng bức xúc, nghi ngờ có sự tiếp tay, làm ngơ của chính quyền địa phương.

a73de8fc902766793f36.jpg
Công trình vi phạm ở phường Bắc Sơn (Bỉm Sơn)

Liên quan tới vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là do công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương, đơn vị còn yếu, thiếu quyết liệt trong xử lý những vi phạm. Để xử lý dứt điểm những vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý và giải quyết dứt điểm đến từng trường hợp, cụ thể:

Đối với hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không thuộc đất của các Công ty nông, lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý lập hồ sơ xử lý dứt điểm và xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với 1.751 trường hợp vi phạm (đã xây dựng nhà ở, kho xưởng, trang trại và xây dựng vào mục đích khác trên đất nông nghiệp) trước ngày 01/7/2004 và 4.929 trường hợp vi phạm trước ngày 01/7/2004.

Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tạm thời sử dụng đất nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Đối với 3.080 trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 01/7/2004, thuộc đối tượng vi phạm theo quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013 thì cần rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 9, Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ hoặc Điều 5 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/01/2017 của Chính phủ. Trường hợp hành vi, đối tượng vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với 94 trường hợp tổ chức vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không thuộc phạm vi của các Công ty lâm nghiêp; các Ban quản lý rừng phòng hộ thì thành lập tổ công tác để xử lý dứt điểm đối với từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cơ quan hành chính cấp trên xem xét, quyết định.

Đối với 1.517 trường hợp vi phạm do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình trên diện tích 22,933ha đất nông nghiệp thuộc phạm vi giao đất cho các Công ty nông, lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Công ty nông, lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ rà soát, lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với từng vụ việc vi phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/01/2021; Kết luận số 1452/KL-TTCP ngày 21/8/2020 của Thanh tra Chính phủ; Thông báo số 281/TN-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa; Công văn số 10384/UBND-NN ngày 9/8/2029 của UBND tỉnh Thanh Hóa và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan theo hướng:

Đối với 938 trường hợp vi phạm, đã xây dựng công trình và đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2004 và 492 trường hợp vi phạm đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2004 lập hồ sơ, xử lý dứt điểm các vi phạm theo quy định tại khoản 2, Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2017 của Chính phủ và Thông báo số 281/TN-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.

a3kemdiem.jpeg
Dự án nuôi tôm xây dựng trái quy định tại xã Nga Thủy (Nga Sơn)

Đối với 87 trường hợp vi phạm, đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp thời điểm sau ngày 01/4/2004 yêu cầu các Công ty nông, lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện sở tại để tập trung thực hiện biện pháp khắc phục tháo dỡ công trình vi phạm và xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật đất đai, xây dựng, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở có liên quan; Chủ tịch UBND cấp huyện; Giám đốc các Công ty nông, lâm nghiệp; Giám đốc các Ban quản lý rừng phòng hộ có các vi phạm tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thực hiện chưa nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng; quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ, để các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng biện pháp xử lý không nghiêm, chưa dứt điểm; báo cáo UBND tỉnh (qua sở Nội vụ để theo dõi, tham mưu) kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2021.

a4kiemdiem.jpg
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa

Dù bất kỳ lí do gì khi công trình xây dựng trái quy mọc lên trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương không biết hoặc biết mà thiếu cương quyết xử lý sẽ làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền. Thực trạng này cần phải xử lý quyết liệt, dứt điểm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ hàng chục nghìn tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp