Khủng hoảng vùng Vịnh: Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào “tầm ngắm” trừng phạt của các nước Arab

Hà Kim| 27/06/2017 16:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang lên kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối việc nước này triển khai quân đội tại Qatar .

Sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm 5/6, Doha đã tìm kiếm đối tác đồng thời là đồng minh chiến lược tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Để giúp Qatar vượt qua giai đoạn khó khăn do bị phong tỏa cả về ngoại giao và kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 105 máy bay chở lương thực và các hàng hóa cứu trợ khác tới quốc gia vùng Vịnh này kể từ thời điểm bắt đầu xảy ra khủng hoảng ngoại giao.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng thông qua luật cho phép triển khai thêm 5000 binh sỹ tới Qatar. Đồng thời, các căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar liên tục hoạt động với mục tiêu hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Qatar cũng như tăng cường an ninh cho nước này.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar đã phản ứng quyết liệt và không nhượng bộ trước sức ép về mặt ngoại giao và kinh tế mà 4 quốc gia Arab đã đặt ra.

Theo giới phân tích, những động thái này sẽ “chọc tức” các quốc gia Arab và mối quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia cũng sẽ bị “rạn nứt”.

Và ngay sau đó, các quốc gia Arab đã tính đến việc áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nguồn tin ngoại giao Ai Cập, các biện pháp trừng phạt kinh tế “hà khắc” sẽ sớm được đưa ra, đồng thời cảnh báo đây sẽ là một đòn giáng nặng nề nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Khủng hoảng vùng Vịnh: Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào “tầm ngắm” trừng phạt của các nước Arab

Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào “tầm ngắm” trừng phạt của các nước Arab 

Các quốc gia Arab từng hi vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải và giữ quan điểm trung lập giữa các bên trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm như vậy và quyết định ủng hộ cho Qatar.

Theo các nhà phân tích, việc Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan triển khai binh sỹ ở Qatar trong bối cảnh GCC đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay được xem là “lời tuyên bố chiến tranh”.

Cũng trong ngày 26/6, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed al-Khalifa đã cáo buộc Qatar gây leo thang quân sự trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với các cường quốc khu vực, động thái rõ ràng ám chỉ quyết định của Doha cho phép Thổ Nhĩ Kỹ điều thêm quân vào lãnh thổ nước này.

Không những thế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn hoan nghênh việc Qatar bác bỏ bản yêu sách gồm 13 điểm của Saudi Arabia cùng các nước đồng minh đưa ra, đồng thời cho rằng “tối hậu thư” này là trái với luật pháp quốc tế.

Trước đó, 4 nước Arab gồm Bahrain, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập đã gửi bản yêu sách gồm 13 điểm kèm "tối hậu thư" tới Doha thông qua nước trung gian hòa giải Kuwait, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này.

Tuy nhiên, đáp lại các động thái mới nhất của các nước Arab, Qatar đã thẳng thừng tuyên bố bản yêu sách đó không hợp lý và vi phạm chủ quyền của Doha.

Hiện cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo các nhà phân tích khu vực, Qatar đang bị dồn ép về mọi mặt từ bốn nước Arab. Việc Qatar bác bỏ tất cả các yêu sách từ Saudi Arabia và các nước đồng minh sẽ khiến Qatar phải chia tay với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

Và việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và Qatar, cộng thêm kế hoạch trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ khiến các quốc gia vùng Vịnh đứng trước nguy cơ đối đầu với một liên minh mới tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng vùng Vịnh: Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào “tầm ngắm” trừng phạt của các nước Arab