Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS) đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ khu vực Bắc Trung Bộ mà cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng cả về đường bộ, đường thủy, hàng không.
Nằm ở phía Nam của tỉnh Thanh Hoá, cách Hà Nội 200 km, có đường bộ và đường sắt Quốc gia chạy qua, có cảng biển nước sâu cho tầu có tải trọng đến 30.000 DWT cập bến…KKT Nghi Sơn được đánh giá là trọng điểm phát triển phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của Việt Nam, KKT Nghi Sơn có đường Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Quốc gia Bắc - Nam đi qua (Quy hoạch phía Tây quốc lộ 1A). Hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn giữa các vùng miền trong tỉnh và khu vực. Các trục đường giao thông nối từ khu đô thị trung tâm đến các khu công nghiệp và cảng Nghi Sơn, các trục Đông Tây nối từ cảng Nghi Sơn với đường cao tốc Bắc Nam… Đường sắt: KKT Nghi Sơn có tuyến đường sắt quốc gia chạy qua, có ga Khoa Trường dự kiến nâng cấp mở rộng thành Ga trung tâm.
Đến nay, cảng Nghi Sơn đã xây dựng và đưa vào khai thác bến số 1 và bến số 2; có khả năng đón tàu có trọng tải từ 10.000 DWT đến 30.000 DWT với tổng chiều dài hai bến là 290m, năng lực xếp dỡ hàng hóa 1,4 triệu tấn/năm. Hệ thống thiết bị, kho bãi được trang bị khá đồng bộ đảm bảo việc bốc xếp hàng. Cảng Nghi Sơn Khu vực vịnh phía Nam đảo Biện Sơn đã được Bộ giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết(QĐ 2249/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2008) gồm 30 bến, trong đó có 6 bến cảng tổng hợp & container cho tầu có trọng tải 50.000 tấn; Hệ thống cảng chuyên dụng Khu vực vịnh phía Bắc đảo Biện Sơn đã được lập quy hoạch chi tiết. Hệ thống điện, nước được cấp đến chân nhà máy, đảm bảo công suất, khả năng sử dụng lớn.
Lãnh đạo Ban KKTNS thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đề ra, đảm bảo vừa chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó hoàn thiện phương án phát triển KKTNS tích hợp vào quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030; lập và trình phê duyệt 05 đồ án quy hoạch phân khu trong KKTNS; triển khai hoàn thành một số dự án đường giao thông bằng nguồn vốn ngân sách như: Đường Bắc Nam 2 (Đoạn từ Đông Tây 1 đến QL1A xã Tùng Lâm); Đường Đông Tây, Đường Đông Tây 4…; hỗ trợ một số dự án lớn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và triển khai đảm bảo tiến độ như: Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, Nhà máy gang thép Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Cảng tổng hợp Long Sơn, Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy xi măng Đại Dương…
Trong năm 2021, tại KKTNS đã thu hút mới 35 dự án (bao gồm 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.874 tỷ đồng, 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 84 triệu USD. Lũy kế đến nay, đã thu hút được 604 dự án đầu tư trong nước và 63 dự án đầu tư nước ngoài. Tại KKTNS có 264 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 145.929 tỷ đồng, vốn thực hiện 59.158 tỷ đồng và 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.794 triệu USD, vốn thực hiện là 11.218 triệu USD… Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại KKTNS đạt 176.124 tỷ đồng, nộp ngân sách 16.694 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 103.000 lao động.
Cải cách hành chính thông thoáng, thuận tiện cho nhà đầu tư, người dân theo hướng phục vụ. Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi đã và đang triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm. Trong những năm tới, diện mạo của KKTNS ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2025, KKTNS trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển đường bộ, hiện đại, trọng điểm của cả nước; kết hợp phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; hình thành các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, chế biến hàng xuất khẩu… góp phần tạo nền tảng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc tổ quốc.