Bộ Công Thương: Cung xăng dầu trong nước đủ dù không tính nguồn từ Nghi Sơn

Minh Khang| 29/04/2022 20:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Đỗ Thắng Hải nói nguồn cung xăng dầu trong quý I và II vẫn đủ dù không tính tới lượng cung ứng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Thông tin trên được Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, chiều 29/4.

Theo ông Hải, thị trường xăng dầu vừa qua chịu nhiều tác động từ biến động thế giới và giảm công suất từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35-40% nguồn xăng dầu cả nước, từ cuối tháng 1.

Để bù đắp lượng thiếu hụt xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động tăng nhập khẩu, trong đó có tính tới việc giảm công suất từ Nghi Sơn. Chẳng hạn, Bộ này đã phân giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tăng nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 trong quý II để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước.

Nhờ đó, nguồn cung xăng dầu trong quý I và II vẫn được đảm bảo, dù không tính tới lượng cung ứng từ Nghi Sơn. Tuy nhiên việc tăng nhập khẩu xăng dầu cũng khó khăn do tình hình địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine nên khó khăn về nguồn, giá tăng và chi phí logistics leo thang...

Ông Đỗ Thăng Hải, Thứ trưởng Công Thương. Ảnh: Trần Thường

Ông Đỗ Thăng Hải, Thứ trưởng Công Thương. Ảnh: Trần Thường

Kịch bản nguồn cung xăng dầu nửa cuối năm nay, Thứ trưởng Công Thương cho hay, Bộ này vừa làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để xem khả năng và cam kết cung ứng từ nhà máy này. Đến nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa có cam kết cụ thể về lượng cung ứng quý III và IV. Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp này có cam kết bằng văn bản vào đầu tháng 5.

"Tỷ lệ cung ứng của Nghi Sơn trong thời gian tới sẽ được ưu tiên tiêu thụ trong nước, phần còn thiếu Bộ sẽ tiếp tục phân giao các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để bù đắp, nhằm đảm bảo đủ xăng dầu", ông Hải thông tin.

Về giá xăng dầu trong nước, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định nhờ sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, nên giá thế giới liên tục tăng, biên độ tăng giá trong nước vẫn thấp hơn.

Chẳng hạn, tại kỳ điều hành ngày 22/4, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng với biên độ 56,53-60,14%, giá trong nước chỉ tăng 17,16-39,04% nhờ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng mỗi lít xăng, 1.000 đồng mỗi lít dầu từ 1/4 đến cuối năm nay cũng giúp hạ nhiệt giá bán lẻ trong nước.

Ông Hải cho biết, Bộ này đang cùng Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu xem có thể giảm thêm thuế nào trong cơ cấu giá bán lẻ để hạ giá xăng dầu. Tuy nhiên, giảm loại thuế nào thì "cần tính toán phù hợp để chống nhập lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu này làm đầu vào sản xuất, nhu cầu người dân".

Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ trong nước đã qua 10 kỳ điều hành với 6 lần tăng, 4 lần giảm. Ở kỳ điều hành ngày 22/4, mỗi lít xăng đắt thêm gần 700 đồng, ở mức 27.990 đồng với xăng RON 95 và 27.130 đồng với xăng E5 RON92.

Về dự trữ xăng dầu, hiện có hai loại là dự trữ tại doanh nghiệp và dự trữ quốc gia. Theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ đảm bảo đủ lượng trong 20 ngày, còn thương nhân phân phối là 5 ngày.

Dự trữ xăng dầu quốc gia, ông Hải thừa nhận, do khả năng của Nhà nước và ngân sách nên "còn hạn chế". Ông cho hay, tới đây liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ đề xuất giải pháp nhằm tăng tối đa dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương: Cung xăng dầu trong nước đủ dù không tính nguồn từ Nghi Sơn