Ngày 30/5, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, thu hút đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 30.332 tỷ đồng (tương đương 1,281 tỷ USD).
Theo thống kê, lũy kế từ trước đến nay, Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 347 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 395.260 tỷ đồng (khoảng 18,553 tỷ USD); trong đó có 58 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,85 tỷ USD) và 289 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký 353.513 tỷ đồng, tương đương 16,704 tỷ USD). Có 250 dự án đang đi vào hoạt động.
Riêng năm 2023, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã cấp Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 02 dự án gồm Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất (Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư) và Nhà máy sản xuất vải Sedo - Dung Quất (Công ty TNHH Sedo Camping làm chủ đầu tư) với tổng số vốn đăng ký đầu tư 3.941 tỷ đồng (khoảng 167 triệu USD).
Điều chỉnh 12 dự án; trong đó có 07 dự án điều chỉnh tăng vốn và 01 dự án do UBND tỉnh điều chỉnh tăng vốn. Tổng số vốn điều chỉnh tăng là 26.391,45 tỷ đồng (khoảng 1,114 tỷ USD).
Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 30.332 tỷ đồng (khoảng 1,281 tỷ USD).
Năm 2023, tình hình thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn và thu hút các dự án đầu tư mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Hà Hoàng Việt Phương – Giám đốc BQL Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trước khó khăn của năm 2023, Ban quản lý nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai, công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch nhằm sẵn sàng thu hút đầu tư mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư từ khâu tìm hiểu cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động”.
Bên cạnh đó, Ban quản lý đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập, trình và phê duyệt các quy hoạch phân khu mà KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có lợi thế so sánh như: công nghiệp lọc hóa dầu, năng lượng, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển…
Ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; thu hút phát triển các mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp sinh thái; hình thành và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế, từng bước hình thành khu du lịch trọng điểm quốc gia Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi tranh thủ các nguồn ngân sách, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đáp ứng dự án quy mô lớn và các khu tái định cư; đặc biệt là hạ tầng kết nối với KKT Dung Quất, các KCN, cảng biển, sân bay và Quốc lộ 1A.