Không nên tiếp cận việc dạy thêm, học thêm như một vấn nạn

Mai Thoa| 11/11/2021 15:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Có những nơi tổ chức mật phục, bắt quả tang giáo viên dạy thêm để chúng ta xử lý, xử phạt rồi đưa lên cả báo chí. Cách ứng xử đối với các nhà giáo như vậy không phù hợp”, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng  Nai) đưa ra ý kiến tại phiên chất vấn sáng nay 11/11.

202111081107215593_dai-bieu-nguyen-cong-long-doan-dbqh-dong-nai.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng  Nai).

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, không ít người coi việc dạy thêm học thêm của giáo viên là vấn nạn, việc này rất bất công.

Đại biểu cho rằng, nếu đó là quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là dạy trực tuyến phải cấm và dạy bình thường cũng phải cấm thì cần phải thay đổi.

Tán thành với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là trong điều kiện chúng ta dạy trực tuyến như thế này phải cấm vì lợi ích của các cháu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Điều đó thể hiện ở chỗ, từ trước đến nay chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm, học thêm của giáo dục như một vấn của nạn xã hội và chúng ta xử lý theo cách cấm. Qua báo chí chúng ta thấy có những nơi được tổ chức mật phục, bắt quả tang giáo viên dạy thêm để chúng ta xử lý, xử phạt, đưa lên cả báo chí. Tôi cho rằng cách ứng xử đối với các nhà giáo như vậy không phù hợp.

Theo đại biểu, trong quản lý không nên có một tư duy cũ như cách ta hay đánh giá là cái gì không quản được thì cấm, mà nên đánh giá tác dụng và ý nghĩa của nó trong giáo dục như thế nào và nó cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh và học sinh. “Chúng tôi thú thực là con em của chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt và đi làm cũng nhờ học thêm, như vậy là có tác dụng chứ không phải là không”, đại biểu nhấn mạnh.

Dẫn chứng việc, trong phiên chất vấn ngày hôm qua có đại biểu của Cà Mau đã ví von ngành y tế và giáo dục là tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà ngành y tế lại không cấm bác sỹ làm thêm. Đại biểu cho biết, hôm nay các cử tri, giáo viên cũng đặt lại câu hỏi là tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục lại không được dạy thêm?

đồng thời đưa ra nhận định: Chúng tôi cảm giác khi giải quyết vấn đề này chúng ta không nhìn thấy căn nguyên của vấn đề đó là, chúng ta có 38 vạn giáo viên phổ thông ở bậc tiểu học, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ một vấn đề đó là thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một việc mưu sinh. Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề này để giải quyết một cách thấu đáo, ngoài ý nghĩa tác dụng, ngoài ý nghĩa nhu cầu của vấn đề giáo dục có cả vấn đề về đời sống của giáo viên. Mong rằng ngành Giáo dục sẽ nhìn thẳng vấn đề này để có một giải pháp căn cơ. Qua 2 năm đại dịch vừa rồi, chúng ta thấy đối tượng giáo viên cũng là một đối tượng cần cứu trợ như các đối tượng khác, đại biểu nêu.

Trả lời về nội dung này Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: việc dạy thêm trực tuyến có hai ý, nếu như dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường, đặc biệt là của cả những người hiện nay không đang làm việc trong các cơ sở giáo dục, việc dạy thêm đáp ứng các yêu cầu đó thì không thể cấm được.

Trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, tuy nhiên đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể điều tiết được, có được các quy định chặt chẽ trong việc kinh doanh này. Nhưng năm 2016, Luật Đầu tư bỏ việc dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm rất nhiều điều trong đó không còn hiệu lực. Hiện nay trong rà soát các Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Giáo dục đang đề nghị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư đối với việc dạy thêm học thêm.

202111111159403088_dsc_3382.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Về việc dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh của mình, nếu bớt các nội dung chính thức cần dạy, rồi dạy trước nội dung theo quy định, dạy cho các nhóm riêng biệt thì việc đó thuộc về điều lệ của trường đã quy định đó là đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo. Việc cấm dậy thêm học thêm là xét trên các phương diện đó. Trong điều kiện dạy trực tuyến khi học sinh đã căng thẳng, nếu như có hiện tượng giáo viên nào đó theo tính chất như vậy, mới là điều chúng ta cần lên án, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên tiếp cận việc dạy thêm, học thêm như một vấn nạn