Không muốn vẫn phải thưa kiện: Bài học về quản lý cho doanh nghiệp

PV| 25/05/2018 17:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, TAND quận Gò Vấp đã đưa ra xét xử vụ án tranh chấp tài sản giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng 623 (Công ty 623) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ tại Phường 10, Quận Gò Vấp, TPHCM.

Đây là tranh chấp hi hữu vì Công ty giao tiền cho Kế toán trưởng giữ để mở sổ tiết kiệm, sau đó số tiền trong sổ tiết kiệm đã bị biến thành di sản thừa kế do cái chết đột ngột của vị Kế toán trưởng này.

Tài sản công ty bị gia đình khai nhận di sản thừa kế

Ông Nguyễn Văn Giang nguyên là Kế toán trưởng Công ty 623 đột ngột qua đời ngày 17/2/2017 do tai nạn. Sau khi lo chu toàn hậu sự cho ông Giang, đại diện Công ty 623 và gia đình ông Giang đã cùng mở niêm phong phòng làm việc của ông Giang.

Khi kiểm đếm tài sản và tài liệu có trong phòng, trong đó tại hộc tủ bàn làm việc của ông Giang có 11 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Giang và 3 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Hoàng Minh Dũng, là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty 623 cùng một biên bản bàn giao sổ tiết kiệm có ghi tên người bàn giao là ông Giang và người nhận bàn giao là thủ quỹ của công ty, nhưng chưa được ký tên đóng dấu.

Theo trình bày của lãnh đạo Công ty 623, nguồn gốc 11 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Giang và một khoản tiền 129 triệu trong tài khoản cá nhân ông Giang là tiền của công ty nhờ ông Giang đứng tên giùm.

Trước đó, trong cuộc họp giao ban công ty vào ngày 23/01/2017 có thành phần tham dự gồm ông Hoàng Minh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Văn Giang, Trưởng phòng Tài chính kế toán; bà Phạm Thị Đinh Phượng, trưởng phòng hợp tác đầu tư và 5 thành viên khác là những cán bộ chủ chốt của công ty đã có bàn bạc thống nhất chuyển vào tài khoản cá nhân ông Nguyễn Văn Giang số tiền 6.737.000.000 đồng và chuyển vào tài khoản ông Hoàng Minh Dũng số tiền là 1.500.000.000 đồng để các ông Giang và ông Dũng mở sổ tiết kiệm lấy lời bổ sung vào quỹ công đoàn.

Ngay buổi chiều sau cuộc họp, kế toán công ty là bà Hoàng Thị Hương đã rút tiền từ tài khoản công ty số tiền là 6.450.000.000 đồng và ngay sau đó vài phút, bà Hương đã chuyển 6.350.000.000 đồng vào tài khoản cá nhân ông Nguyễn Văn Giang với nội dung “chuyển tiền tài khoản công ty”.

Ngoài ra, công ty còn có 2 lần nhờ ông Giang giữ hộ tiền thông qua giao dịch chuyển tiền từ bà Phan Kim Loan là nhân viên công ty từ ngân hàng Argribank chi nhánh Phú Mỹ Hưng vào ngày 14/02/2017 và 16/02/2017 với tổng số tiền là 386.872.332 đồng.

Ông Giang đã đứng ra mở 11 cuốn sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng với tổng số tiền là 5.500.000.000 đồng và chi ra bằng ủy nhiệm chi, rút tiền mặt chi các khoản giao dịch của công ty hoặc chuyển khoản vào tài khoản công ty để trả thuế với số tiền là 1.108.000.000 đồng.

Đối chiếu các giao dịch giữa hai bên, ngoài số tiền trong 11 sổ tiết kiệm thì ông Giang còn giữ trong tài khoản cá nhân số tiền của công ty là 129.000.000 đồng.

Ngay sau khi mở niêm phong phòng làm việc của ông Giang, đại diện lãnh đạo Công ty 623 đã trình bày và cung cấp đầy đủ chứng từ đối chiếu về nguồn gốc những cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Giang cho bà Hằng là vợ ông Giang và những người thân trong gia đình ông Giang mong được hợp tác giải quyết ổn thỏa.

Tuy nhiên, phía gia đình ông Giang đã tiến hành khai nhận di sản thừa kế là những cuốn sổ tiến kiệm trên và phần tiền trong tài khoản cá nhân ông Giang, nên buộc lòng Công ty 623 phải đưa vụ việc ra tòa nhờ phân xử; đồng thời, đề nghị phong tỏa tài khoản của ông Giang và 11 cuốn sổ tiết kiệm theo luật định.

Sau nhiều phiên hòa giải không thành, TAND quận Gò Vấp đã đưa vụ án ra xét xử công khai và đã chấp nhận yêu cầu của Công ty 623, buộc bà Hằng và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do bà Hằng là đại diện hợp pháp phải trả cho công ty 623 số tiền là 5.629.000.000 đồng.

Đồng thời, phía Công ty 623 cũng có trách nhiệm phải trả cho bà Hằng và những người có quyền lợi liên quan số tiền là 8.800.000 đồng tương đương với giá trị 88 cổ phiếu.

Bài học quản lý cho các doanh nghiệp

Trao đổi sau phiên tòa, ông Hoàng Minh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty 623 trải lòng: “Việc phải đưa nhau ra tòa là vạn bất đắc dĩ với chúng tôi, vì dù gì, Giang cũng là một nhân viên lâu năm lại rất thân tín trong công ty. Cậu ấy là người hiền lành, tử tế nên chúng tôi mới chọn để giao tài sản công ty cho cậu ấy giữ giùm. Nhưng cũng chính vì đó là tài sản công ty nên chúng tôi phải xử lý minh bạch, rạch ròi để còn có thể trả lời với các cổ đông trong công ty.

Không muốn vẫn phải thưa kiện: Bài học về quản lý cho doanh nghiệp

Ông Hoàng Minh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty 623

Trước khi đưa vụ việc ra tòa, bản thân tôi cũng đã nhiều lần gặp cô Hằng vợ Giang và những người thân trong gia đình để giải thích, thuyết phục bằng cả nghĩa tình và lý lẽ.

Khi Giang mất, chúng tôi cũng không gấp rút giải quyết vụ việc tránh cho gia đình sự tổn thương không đáng có, công ty vẫn đứng ra lo chu toàn hậu sự cho Giang, đợi gia đình nguôi ngoai mới ngồi lại bàn bạc vấn đề.

Ban đầu cô Hằng khá thiện chí hợp tác, còn nói với nhân viên trong công ty là Giang đã từng tâm sự với vợ về việc giữ tiền của công ty. Cô Hằng còn nhắn với nhân viên công ty nói tôi yên tâm, tiền công ty thì cô ấy sẽ chuyển trả lại chứ không giữ làm gì.

Cô Hằng và gia đình có hẹn làm việc với công ty sau ngày 30/4/2017, nhưng đến 24/4/2017, chúng tôi phát hiện phía gia đình Giang đã đi khai nhận di sản thừa kế là những tài sản của công ty nhờ Giang giữ giùm, nên buộc chúng tôi phải có những biện pháp pháp lý để bảo vệ tài sản của mình”.

Về nguồn tiền và vì sao tiền của công ty lại giao cho cá nhân nắm giữ, ông Hoàng Minh Dũng cho biết: “Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Công ty 623 có cơ cấu lại, có một số cổ đông quyết định đầu tư vào công ty với mục đích giải cứu và vực dậy các hoạt động của công ty. Cổ đông đã đóng tiền để công ty có nguồn vốn để trả một số khoản nợ, khoản thuế, lãi phạt thuế”.

Cũng theo ông Dũng, lúc đó do các tồn đọng từ nhiều năm trước để lại, tình hình tài chính của công ty rất khó khăn. Sau khi cân đối tài chính, trả nợ, Công ty còn lại khoản tiền gần 8 tỷ. Đúng ra nguồn tiền này Công ty dùng để trả khoản lãi phát sinh do nợ thuế, nhưng do công ty đang làm công văn xin cơ quan thuế miễn giảm nên chưa dùng đến số tiền đó.

“Chính vì lẽ đó, chúng tôi mới bàn nhau trong cuộc họp giao ban là giao cho các cá nhân trong công ty đứng ra mở sổ tiết kiệm trong thời gian chưa dùng đến nguồn tiền này để lấy lãi, thêm vào quỹ hoạt động công đoàn của công ty. Mục đích cũng chỉ vì mong muốn có thêm chút thu nhập cho đời sống của cán bộ công nhân viên, chứ chúng tôi hoàn toàn không có tư lợi gì”, ông Dũng khẳng định.

Có thể thấy rằng, dù mục đích là không tư lợi nhưng do cách làm còn có những thiếu sót về mặt trình tự thủ tục quản lý tài chính đã khiến cho Công ty 623 và bản thân những người trong gia đình ông Nguyễn Văn Giang phải đối mặt với những phiền phức pháp lý không đáng có. Âu cũng là bài học quản lý cho không ít các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không muốn vẫn phải thưa kiện: Bài học về quản lý cho doanh nghiệp