Chính trị

Không để nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông lớn nhất tại các ngân hàng Việt Nam

Duy Tuấn 19/02/2024 - 12:10

Sáng ngày 19/2, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 2 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, là Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.

Giới thiệu Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật Tổ chức tín dụng 2024 có nhiều điểm mới, trong đó hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

doanthaison.jpeg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn.

Theo đó, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan.

Luật bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng…

Theo Phó Thống đốc, những quy định trên nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng,

*Trả lời báo chí về lo ngại các quy định mới của Luật, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần là cổ đông lớn nhất tại các ngân hàng của Việt Nam, điều này có ảnh hưởng đến chủ quyền tiền tệ quốc gia như thế nào và NHNN có giải pháp gì để hạn chế tác động?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, luật mới quy định, “Tổng giới hạn sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng sẽ không quá 3%, vì vậy không quá lo ngại thông qua việc sở hữu này sẽ chi phối việc kiểm soát các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Luật cũng quy định việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ”, ông Sơn nói.

Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt

Luật Các tổ chức tín dụng mới cũng bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của ngân hàng và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

tc2.jpg
Toàn cảnh họp báo.

Về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, luật mới quy định phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án giải thể, phương án phá sản.

“Việc xây dựng, thực hiện các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng đã được điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Luật Các tổ chức tín dụng gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi luật có hiệu lực.

Quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng 2024, dự kiến có có 2 nghị định và 4 thông tư.

Ngân hàng bị can thiệp sớm, phải khắc phục trước 1/7/2025

Điểm mới nữa, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm.

“Phương án khắc phục phải được xây dựng, thông qua trước ngày 01/7/2025 hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp giấy phép”, ông Sơn nhấn mạnh.

Định kỳ ít nhất 2 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Luật cũng thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, trên tinh thần “từ xa, từ sớm”, khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng.

Văn bản này sẽ nêu rõ các yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các yếu kém phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường, việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng chấm dứt.

“Các trường hợp được can thiệp sớm cũng được rà soát, bổ sung so với luật hiện hành”, ông Sơn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông lớn nhất tại các ngân hàng Việt Nam