Tâm điểm dư luận

Không chỉ phê bình, nhắc nhở

Trung Nguyễn 15/10/2024 - 09:36

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật là công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành thực hiện chưa tốt, chưa chủ động trong thực hiện và cơ chế kiểm tra, giám sát cũng còn hạn chế.

Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 của Ủy ban Pháp luật cho thấy, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.

Không chỉ mâu thuẫn, chồng chéo, tình trạng ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật vẫn xảy ra; theo kết quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, trong kỳ báo cáo tính từ ngày 22/9/2023 đến ngày 21/8/2024, số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định trái pháp luật, chưa đúng thẩm quyền hoặc văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật đã được Bộ Tư pháp kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý 138 văn bản trên tổng số 2.948 văn bản đã tiếp nhận, trong đó có 42 văn bản của cấp bộ và 96 văn bản do địa phương ban hành.

Số lượng văn bản có nội dung trái pháp luật đã được xử lý là 80/138 văn bản, trong đó 12 văn bản của cấp bộ và 68 văn bản của địa phương, chưa được xử lý là 58/138 văn bản, chiếm 42,03%.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành. Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành khác thực hiện kiểm tra này, đồng thời, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đề xuất biện pháp xử lý.

Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản. Một trong những nguyên nhân của tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật là công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành thực hiện chưa tốt, chưa chủ động trong thực hiện và cơ chế kiểm tra, giám sát cũng còn hạn chế.

Thực tiễn công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua cho thấy, đã có nhiều trường hợp văn bản trái pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng chưa có trường hợp nào người, cơ quan ban hành văn bản bị xử lý trách nhiệm, cũng chưa có trường hợp nào được bồi thường thiệt hại từ việc ban hành văn bản trái pháp luật gây ra.

Việc tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở.

Nguyên nhân của điều này xuất phát từ thực tế hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nên chưa có cơ sở để xem xét, xử lý.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức, của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật là việc làm cần thiết.

Song song với việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người, cơ quan ban hành văn bản, thì việc xem xét, tính toán, định lượng mức độ thiệt hại trên thực tế của đối tượng chịu sự áp dụng của văn bản trái pháp luật để thực hiện chế độ bồi thường là hết sức quan trọng và cần thiết.

Điều này tạo cho các chủ thể tham gia vào tất cả các quan hệ xã hội có thể yên tâm về tính rõ ràng, minh bạch và tính chịu trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật… tạo môi trường pháp lý trong sạch, lành mạnh đủ sức thu hút đầu tư, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để rõ hơn nội dung về thực hiện chức năng, chức trách của bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức, đồng thời cần tính toán để thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả.

Cũng có ý kiến đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự hiện hành, cần nghiên cứu, bổ sung loại tội phạm liên quan đến vấn đề này để có cơ sở xem xét, xử lý hình sự với hành vi ban hành văn bải trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ phê bình, nhắc nhở