Khi nhận được lời mời đi khai trương đường bay thẳng giữa Sài Gòn tới Bali (Cộng hòa Indonesia), tôi đã háo hức theo lối của một người đi trả món nợ dặm trường.
Lần trước, đi ngắm hai ngọn núi lửa đang hoạt động Ijen và Bromo ở xứ vạn đảo, tôi đã phải vật vã quá cảnh với những chuyến bay mệt mỏi ở Singapore rồi Malaysia. Lần này bay vù một cái đến quần đảo khơi xa ngoài Ấn Độ Dương, gần cả với Úc châu cho bõ… thích.
Khu vực có đáy biển tuyệt đẹp để... đi bộ dưới đáy
Nào thì xắn quần lội qua bờ biển nông để đến đền Tanah Lot nằm trên mặt nước, chòi ra ngoài đại dương, bên các mái vòm chênh vênh bị nước biển gặm xuyên thủng núi lớn từ suốt thiên thu cũ. Đu dây cao vút từ mặt đất vèo lên tận ngọn cây dừa cong ra ngoài thung lũng hun hút của khu kỳ quan ruộng bậc thang di sản thế giới Tegalalang. Ấn tượng ra phết. Nhưng về, ngẫm lại tất tật, đặc biệt nhất vẫn là trò đi bộ dưới đáy biển Ấn Độ Dương, vi vu vui đùa với muôn ngàn con cá, lởn vởn dập dờn với bát ngát san hô, nghe tiếng sôi ùng ục của bình cấp ô xy xuống bảy tám mét đáy nước cho nhóm người đang phởn chí. Quả là khó quên.
Chứng chỉ… đi bộ dưới đáy biển
Bản thân tôi leo núi đến mòn chân, bay lên trời đến khắp các mặt của bán cầu hàng chục nghìn cây số, tuy nhiên, “kỷ lục” lớn nhất vẫn mới chỉ là lặn thử tàu ngầm trên đảo Jeju của Hàn Quốc.
Tàu lặn òm ọp xuống độ sâu khoảng 60m, nó đi ù lì như hòn đá lớn rơi chầm chậm trong nước biển nhờ nhờ rồi khựng một cái. Lúc ở độ sâu chục mét, bỗng xung quanh thấy vài ông thợ lặn mặc quần áo người nhái múa may chào đón du khách. Họ có dụ dỗ vài con cá bơi về chỗ cửa kính cho khách xem, tay họ cầm ít thức ăn vừa bơi ủng oẳng vừa nhử cá bơi theo.
Tôi hiểu, ngoài ô cửa thợ lặn chủ động phục kích đón khách du lịch, dử cá biển li ti vài màu sắc đến cho nó ăn đã thành thói quen kia, thì xung quanh lờ đờ nước hến tuốt. Cá chẳng có, san hô thì không.
Cảm giác của người đi tàu ngầm thì khá chao đảo, giống say sóng, say ô tô... Bù lại, trồi lên mặt nước, con tàu trắng toát tinh khôi vừa bỏ đi, khách vào bờ thì nhận được một cái “Bằng lặn tàu ngầm” kiểu du hí. Kiểu trò chơi kỉ niệm du lịch kèm shoping và chụp ảnh tự sướng. Tôi cất cái kỉ niệm đáy biển nhỏ xinh đó vào kho kỷ niệm, thỉnh thoảng sờ đến lại mỉm cười. Nó nằm gần chứng chỉ bay khinh khí cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cấp nhảy dù từ máy bay trực thăng ở Brazil, danh hiệu dám thẳng vào họng quỷ ở ngọn thác lớn nhất thế giới ở Nam Mỹ. Và, bây giờ gã suốt đời chỉ có mỗi cái bằng cử nhân loại trung bình lại vừa nhận thêm chứng chỉ “Sea Warking” (đi bộ dưới đáy biển) ở Bali.
Xe đón tại khách sạn ở trung tâm Bali, quần đảo danh tiếng về du lịch của Indonesia. Hướng dẫn viên địa phương mặc xà rông (một dạng váy cho đàn ông), đội mũ như nửa quả bí ngô úp sấp nhưng trông phong cách và lãng tử lắm. Anh ta đi dép kiểu tông Lào màu vàng một thời rất phổ biến ở ta. Tiếng Anh nói khá chuẩn. Vừa lên xe đã khuyến mại mỗi người một vốc “quả đầu rắn”. Từ cái vỏ cứng quèo, bóng nhẫy, xếp vảy, đến hình dáng thuôn dẹt của chúng đều giống hệt cái đầu con rắn hổ mang hiểm ác nhưng hương vị của nó thì rất đáng để nhớ suốt đời. Sau màn cho ăn, là lời hẹn lúc về ai mua thì tôi đóng gói ship đến tận phòng. Tôi thấy ai cũng mua đủ mười ký lô một cách hoan hỉ. Lại có xe cảnh sát đi dẹp đường nữa chứ.
Indonesia là quốc gia hồi giáo đông dân nhất thế giới. Với số lượng là hơn 260 triệu người (số liệu năm 2017) vì thế mà tắc đường ở Bali hơn Việt Nam nhiều. Các chú cảnh sát đi một chiếc xe sedan khá tay chơi. Phù hiệu gắn ở xe và trên ve áo của họ trông rất phong cách Mỹ. Khỏe khoắn và quyền lực. Chả trách, họ toàn đi trái đường, dẫn xe chúng tôi xé đám đông như mũi tên bay trên mặt ao khổng lồ đặc quánh bèo tấm. Giao thông ở Indo là “tay lái nghịch” so với ở ta. Thành thử, để kịp giờ ra sân bay hay đến các điểm đông du khách, cảnh sát buộc phải bật còi ú dẫn nhóm chúng tôi đi trái đường. Trưa, nhóm cảnh sát ăn với chúng tôi, thiếu mỗi khoản cụng bia rượu, còn lại bắt tay và tán gẫu đủ cả. Thỉnh thoảng lại cười tươi đồng ý chụp ảnh lưu niệm với cái phù hiệu oai phong lẫm liệt. Lắm bữa, các chú còn hỏi tôi: sếp có thấy hài lòng không?
Trước giờ xuống nước
Ra ven biển, đã thấy các cô gái mặc giống quần áo truyền thống người Campuchia ở Angkor Wat; lại giống cả trang phục các mỹ nhân trong vũ điệu Apsara mà bao đời bộ đội tình nguyện Việt Nam rồi người yêu xứ Chùa Tháp đã tơ tưởng; lại thoáng giống cảnh đi hia đội mũ trong các vở kịch hay tuồng gì đó của khối quốc gia châu Á khác. Hỏi ra mới biết, các cô gái theo đạo Hindu kiểu Ấn Độ. Quan trọng hơn, cái trang phục kết tinh mỗi miền một tí ấy nó mới phục vụ được cho đa dạng các nhóm khách từ khắp địa cầu được chứ.
Các cô đen giòn đứng giơ tay cho khách khoác vai chụp ảnh lưu niệm. Ai xuống thuyền đi đảo cũng phải qua cái cầu tàu thơ mộng ấy. Và các cô đón đường…tóm gọn. Tôi cũng khoác vai cùng lúc cả hai em, chụp một bức ảnh tự sướng. Tuy nhiên, phó nháy của nhà thuyền còn giỏi hơn. Khách vừa bước chân xuống thuyền, chưa kịp ăn món gì trong cái buffet sang trọng trên khoang thơm tho vượt biển, đã thấy thập thò nụ cười đen giòn mở toang thân thiện của các chú thợ ảnh. Chà, ảnh ép kĩ, có cả hai trang bìa cứng cài vào, lật đôi thì như mở một phong tình thư diễm lệ, trang trí đủ én lượn dập dờn quanh dòng chữ “Đảo ngọc Bali - Indonesia ngày…”, với ánh mặt trời rạng rỡ trùm lên mặt biển xanh ngọt lịm.
Bạn đang cười tươi khoác vai các thiếu nữ thơ mộng của Bali mà chưa biết kiếp nào mới được gặp lại, thôi, bỏ tiền trả công “rửa” ảnh đi. Không lẽ để họ phải đem về xé bỏ cái ảnh mang gương mặt người xa lạ đã từ chối trả tiền kia trong nỗi buồn rầu? Nếu là bạn thì bạn có vui được không? Lát nữa, ra biển, đi bộ xuống đáy Ấn Độ Dương về, bạn cũng sẽ được thợ lặn tìm đúng người, thẽ thọt đưa một cái USB có dây treo vào cổ kèm dòng chữ “Kỉ niệm Bali” xinh xắn, có khi lồng cả nhạc “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi” vào trong video nữa.
“Lái” tàu chiến, cụng ly sâm banh đã…70 năm rong rêu đáy biển
Đó. Cách làm du lịch của người Bali rất khéo. Đó là lí do đã khiến các cuộc đánh bom khủng bố ở Bali làm người Indo hoảng hồn thêm, ngoài nỗi lo máu đổ, còn là sự tổn thất lớn lao từ sinh kế mà du lịch đem lại. Khi Việt Nam bàn về “đặc khu” Phú Quốc với sự phát triển thần kỳ của nó, với diện tích lớn bằng quốc đảo Singapore, giữa nghị trường Quốc hội, một đại biểu thẳng thắn: phát triển du lịch của Phú Quốc bằng bao nhiêu phần trăm của Bali? Có ghé thăm, mới thấy thấm thía điều này.
Biển thì cũng thường thôi, đảo thì bé, cây cối xác xơ, động vật trông thấy thì chả có con nào ra hồn; nhưng họ tổ chức dịch vụ hoàn hảo mọi nhẽ. Thái độ tử tế, bất kể bạn xa lạ không biết tiếng Anh hay bạn cầm tiền xỉa ra như làm từ thiện, người bán hàng rồi ông chủ resort sang trọng cũng vẫn hồn hậu như thế.
Thay vì chọn tour lặn biển xa xôi, sâu hoắm dăm chục mét tối tăm “ngày đàng gang nước” đầy hiểm họa để ngắm các con tàu đắm từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 (năm 1945), đụng tay chụp bức ảnh giả vờ đang điều khiển “chiến hạm” phủ đầy rong rêu dưới cõi của Long Vương suốt bảy thập niên ròng. Cầm các chai rượu Tây từ hơn nửa thế kỷ trước, giờ đã vàng óng lồm xồm các loài sinh vật biển đeo bám. Hoặc nông hơn, ở độ sâu hơn 20m, bạn có thể mặc đồ người nhái chui vào các khoang tàu lớn, từng là chiếm hạm kiêu hãnh của lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia. Nó bị đắm từ mấy chục năm trước. Tôi chọn đi bộ dưới đáy biển.
Du khách Việt Nam trải nghiệm Sea Warlking 2019 ở Bali
Gã rám nắng, với cái bụng ếch đặc trưng dễ thấy của những người theo đạo Hindu mà tôi từng gặp, cứ hua các cuốn ảnh ép plastic như thực đơn nhà hàng. Miệng hô vang “Sea walking”. Đi bộ dưới đáy biển đê. Cả Indo, hầu hết người dân theo đạo Hồi, riêng có quần đảo Bali xa tít tắp, cách Úc châu chỉ gần hai giờ bay này, là nhất tề bà con theo Hindu. Các ngôi đền cũng thuần một phong cách Hindu độc đáo. Vì gần Úc quá, người Úc lại được miễn visa vào Bali, nên đứng góc nào cũng thấy người của xứ Kangkuru phởn phơ tắm nắng. Có lẽ, họ coi vùng biển đẹp này là một điểm nghỉ cuối tuần thương mến, khoảng cách chỉ như người Hà Nội vù vào ngồi ngắm biển Đà Nẵng vậy.
Tôi để ý thấy gã kia quảng bá toàn cá đẹp tưng bừng, to lộng lẫy, lại còn người đi bộ dưới đáy biển thì khúc nào ra khúc nấy, cứ như vũ nữ bồng bềnh không trọng lượng, tôi đâm ra nghi ngờ. Này, có đẹp như thế thật không, có nhiều cá thật không? Nếu trơ khấc chả có gì đẹp, ta đòi lại tiền đấy. Gã mỉm cười rút điện thoại…của tôi, bật chế độ quay phim camera trước, rồi gã nói bằng tiếng Anh: “Nếu đi bộ dưới đáy biển, mà không đẹp thế này thì tôi xin trả lại tiền cho anh này!”. Láu cá đến thế là cùng, thân thiện thế là hết cỡ nhé. Tôi giữ video cam kết của gã hài hước trong túi quần, bỏ vào tủ gửi đồ, rồi cầm một cái máy quay Gopro bé bằng bao diêm. Mất khoảng một triệu đồng tiền Việt Nam để chơi tẹt ga trọn gói với biển. Đi theo gã xuống đáy biển. Chiếc máy quay chịu nước tùy thân của tôi, chưa bao giờ phát huy tác dụng tuyệt vời đến thế.
Thủ tục đơn giản. Hóa ra gã vừa bán tour, vừa lái tàu siêu tốc ra khơi xa, vừa kiêm thợ lặn, vừa quay phim và khều khều tôi ngủ dậy lúc kiệt sức nằm kềnh cang trên du thuyền trở về. Dậy đi, my friend, ta cho xem video và thu tiền tiếp. Bỏ tiền triệu ra đi xuống đáy biển, bị khều thêm tiền, mà ai nấy sướng tỉnh mỉnh cả người. Đi bộ dưới đáy biển đã quan trọng, có video và ảnh về để khoe bằng đủ cách, có khi còn quan trọng hơn. Sống ảo mà. Đó là cái tài của người Bali.
Có chỗ tận dụng con tàu đắm cổ, có chỗ chẳng có tàu, họ lặn xuống đáy biển cắm vài cái lan can sắt, qua vài năm rong rêu phủ kín, con hà nó bám sắc nhọn tạo cảm giác hoang dại một tí. Sắm mấy cái mũ “phi hành gia” nặng trịch, có thể cung cấp dưỡng khí cho người ở đáy biển thở òng ọc.
Ở Việt Nam, đảo Phú Quốc, đảo ở Nha Trang có cái trò này rồi, ở Bali, họ làm từ lẩu lâu, đến mức cái mũ sứ hay nhựa trắng nặng như đá đeo đã bong tróc nhọ nhem bùn cát. Cái tài của họ là tạo cảm giác khám phá như trong tiểu thuyết rồi phim ảnh kỳ thú “Hai vạn dặm dưới đáy biển”. Mua vé trọn gói, thích chơi gì thì chơi. Tàu ngầm đây, lặn thì vào lặn, tàu chuối vàng óng và thuôn dài hệt quả chuối khổng lồ đây, leo lên cưỡi rồi ngoắc vào ca nô lướt đi như tên bắn trên biển. Nhảy lên trời bay dù lượn, đi bộ xuống đáy nước, câu cá, đánh lưới, nướng hải sản. Đủ cả hải lục không quân, trò chơi nào cũng có. Các mỹ nữ Âu châu thì mặc bikini bỏng rẫy như lửa cháy, nằm lười trên cát phơi da thịt nõ nường, khiến sóng biển dường như cũng phải liu riu tơ tưởng.
Cái giỏi nữa là người Bali chăm sóc dịch vụ đến thượng thặng. Chơi chán, trong tour có luôn bữa tiệc nướng giữa gió biển, hải sản tươi sống tưng bừng, hoa quả nhiệt đới ngon trên mức cần thiết. Và, đàn cá biển cũng được thung thăng đánh chén no nê, để chung sức cắn miệng vào tấm lưới vừa lớn vừa dịu dàng, khiêng vàng thoi bạc nén về cho con gà đẻ trứng vàng - du lịch Bali.
Còn muốn gì hơn thế?
Thợ lặn dăm bảy gã, cứ lo chúng tôi bị sóng đánh “đi lạc” hai vạn dặm dưới đáy biển thì chết. Nên quy định hàng đầu là phải nắm tay nhau, đi bằng thang sắt từ tàu xuống bảy tám mét sâu dưới đáy biển. Nước Ấn Độ Dương càng ở dưới càng lạnh giá, ai nấy buộc phải nắm tay nhau, nắm vào các lan can sắt rong rêu dưới đáy biển. Lúc lạnh quá, tôi đã cảm nhận được cái ấm của bàn tay người xa lạ bên cạnh, dẫu lúc đầu là bị ban tổ chức bắt nắm mà không được hỏi tên cô ấy là gì.
Tôi và vài gã Tây, kèm cả nhóm người miền Đông Bắc Á cùng xuống biển, các cô nàng Tây mắt xanh như nước biển thì dạn dĩ hơn, các cô nàng Việt thì ỏn ẻn hoặc ra vẻ ỏn ẻn. Nhưng cuối cùng lúc trồi lên mặt nước, ai nhìn ai cũng toát lên cái sự thương mến đến kỳ lạ. Bởi, nửa tiếng đồng hồ tản bộ dưới đáy biển vừa qua, nó chứa quá nhiều xúc cảm ngỡ ngàng mà tất cả chúng tôi đều “lần đầu làm việc ấy” như nhau cả.
Đi bộ dưới đáy biển, chung vui với muôn ngàn cá, san hô, rong rêu, nước xanh chan hòa ánh nắng vùng nhiệt đới, tất cả đều được thánh thần phối màu sặc sỡ. Nghĩ cho cùng, đi du lịch là để nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo năng lượng; không đến kỳ quan thế giới, không xuống đáy biển sâu nhất, không lên đỉnh núi cao nhất; thì có thêm một trải nghiệm êm đềm ngộ nghĩnh, khuyến mại thêm chút lưu luyến và ấm áp nữa, thử hỏi còn muốn gì hơn thế?