Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên

Nguyễn Liên| 16/12/2019 16:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện Nghị quyết số 422 ngày 18/8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/10/2017, 5 xã thuộc 3 huyện sáp nhập về Thành phố Thái Nguyên. Sau 2 năm sáp nhập về Thành phố, diện mạo tại các xã ven đô TP. Thái Nguyên có sự thay da đổi thịt rõ rệt.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Thành phố Thái Nguyên có diện tích tự nhiên trên 222 km2, dân số gần 40 vạn người; có 32 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (bao gồm 21 phường và 11 xã). Trong đó, 5 xã, thị trấn sáp nhập về Thành phố bao gồm: Xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình) được điều chỉnh địa giới hành chính về TP. Thái Nguyên.

Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên

Lãnh đạo tỉnh và TP. Thái Nguyên thăm mô hình nông nghiệp cao tại Phường Đồng Bẩm

Thành phố Thái Nguyên là đơn vị đi đầu trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên, các xã cán đích năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 700 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn của Thành phố trên 338 tỷ đồng, kinh phí nhân dân đóng góp trên 127 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Thành phố đã đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Riêng 5 xã sáp nhập, lãnh đạo các cấp Thành phố đã có nhiều phương án, sự quan tâm dành cho các xã một cách đồng bộ, điều kiện đầu tiên được thành phố quan tâm sự đồng bộ kết cấu hạ tầng. Trong 2 năm qua (2017 - 2018), từ nguồn ngân sách của Thành phố, 5 xã, phường mới sáp nhập được đầu tư xây dựng 30 công trình, với tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng. Đến nay, các công trình đều hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư.

Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên

Mục tiêu lớn nhất lãnh đạo TP. Thái Nguyên xây dựng Nông thôn mới nâng cao thu nhập người dân

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho biết: Từ ngày sáp nhập, Thành phố đã dành nguồn ngân sách khoảng trên 40 tỷ đồng cho 7 công trình, chủ yếu đường giao thông, trường học, trạm y tế đầu tư cho hạ tầng cơ sở theo tiêu chí Nông thôn mới khang trang, sạch sẽ.

Bà Hà Thị Mai Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Cẩm 1, xã Sơn Cẩm, chia sẻ: Các phòng học của Trường Tiểu học Sơn Cẩm 1 được xây dựng từ những năm 1960, đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ khi được sáp nhập về TP. Thái Nguyên chúng tôi được quan tâm hơn, năm học 2019 - 2020, các học sinh của tôi có dãy lớp học 2 tầng, 10 phòng khang trang, hiện đại, chúng tôi và phụ huynh vô cùng phấn khởi.

Xã Huống Thượng, một xã thuần nông, các tiêu chí nông thôn mới trước đây đã đạt nay tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp tiêu chí khi về Thành phố. Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã thông tin: Từ khi xã sáp nhập đến nay chúng tôi được ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình đồng bộ; thủ tục hành chính chúng tôi cũng được tiếp nhận phương tiện hiện đại.

Xây dựng mỗi xã một thương hiệu tạo dấu ấn vùng ven đô

Thế mạnh 5 xã sáp nhập về Thành phố chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nắm được điều này, lãnh đạo Thành phố đã lên các phương án tập trung xây dựng, đầu tư và đưa các dự án về các địa phương với mục đích kích thích sự phát triển và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân các xã ven đô.

Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên

Làng hoa Huống Thượng người dân tưn bước áp dụng nghệ cao vào sản xuất

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên cho hay: sau 2 năm điều chỉnh địa giới hành chính, các xã, phường sáp nhập về Thành phố đều có tốc độ tăng trưởng khá (đạt từ 131,5%/năm). Về sản xuất nông nghiệp, từ chỗ giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất nông nghiệp chỉ đạt 80 triệu đồng/ha/năm (năm 2017) thì đến nay đã đạt 100 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm ( tăng 10 triệu đồng so với năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Sau hai năm định hướng xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn mới tại các địa phương này, đến nay, các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên quy hoạch các vùng Nông nghiệp chất lượng cao, bền vững như: Vùng chuyên canh phát triển cây chè, xây dựng thương hiệu chè nổi tiếng nức danh trong và ngoài nước Tân Cương; Phúc Trìu, Phúc Xuân…; Cánh đồng hoa (Huống Thượng); Cánh đồng lúa, hoa màu lớn tại (Đồng Liên); Vựa rau an toàn (Đồng Bẩm); Vùng sản xuất cây ăn quả, trong đó nổi tiếng thương hiệu ổi Linh Nham (Linh Sơn); ….

Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên

Nhãn hiệu ổi Linh Nham hiện đang được ưa chuộng trên thị trường

Xã Đồng Liên cũng là một trong số ít các địa phương của tỉnh được chọn để xây dựng mô hình xã nông thôn kiểu mẫu. Với kinh nghiệm và lợi thế sẵn có về phát triển nông nghiệp, người dân trong xã mong muốn khi chuyển về Thành phố sẽ được đầu tư hơn nữa về hệ thống đường giao thông cũng như chính sách hỗ trợ hiệu quả trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, xã Sơn Cẩm đã được chọn quy hoạch, xây dựng nhằm phát triển cụm công nghiệp kết nối với với Thị trấn Chùa Hang (phường Chùa Hang). Ngoài vị trí tiếp giáp quan trọng với các tỉnh phía bắc thị xã Sơn Cẩm cũng là vị trí tiếp giáp nhiều xã của thành phố, điều này sẽ rất thuận lợi trong quá trình phát triển. Một trong những điểm nối với Thị trấn chùa Hang với Sơn Cẩm cũng là điều mà thành phố rất quan tâm. Bởi thị trấn Chùa Hang vốn là trung tâm huyện lỵ của Đồng Hỷ, có tuyến đường Quốc lộ 1B cũ, tuyến đường Quốc lộ 17 đi qua nên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện cả về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp.

Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên

 Hai địa phương Sơn Cẩm - Chùa Hang được xây dựng thành Cụm công nghiệp của Thành phố

Có thể nhìn nhận, trong những năm qua, nông dân TP. Thái Nguyên được nhắc nhiều đến cụm từ thu nhập tiền tỷ nhờ phát triển thương hiệu chè nức danh. 5 xã sáp nhập, với sự lãnh đạo các cấp lãnh đạo TP. Thái Nguyên cùng thế mạnh giai đoạn mới, bộ mặt nông thôn nơi đây sẽ ngày phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại đây cũng có nhiều tác động với mục đích hơn hết nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc nông thôn mới các xã ven đô Thành phố Thái Nguyên