Chính trị

Khởi nghĩa Bắc Sơn: Tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Trang Việt 27/09/2023 06:30

Khởi nghĩa Bắc Sơn đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng Lạng Sơn sau hơn 10 năm đấu tranh gian khổ và kiên cường. Từ những hình thức đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tiến lên tổ chức đấu tranh chính trị rộng rãi, từng bước sử dụng đấu tranh vũ trang, tập dượt cho quần chúng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Tinh thần đấu tranh của Khởi nghĩa Bắc Sơn đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước. Các địa phương đều ủng hộ phong trào Bắc Sơn, học tập Bắc Sơn, noi gương Bắc Sơn xây dựng lực lượng vũ trang, đợi thời cơ khởi nghĩa.

anh-222(1).jpg
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Bắc Sơn với hành trình về nguồn, chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Du Kích Bắc Sơn

Tiếng súng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của Nhân dân cả nước

Theo tư liệu lịch sử, tháng 12/1929, tại Long Châu (Trung Quốc), các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Tri được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Chi bộ Đảng liên tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn được thành lập ở Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư (Lịch sử đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1930 - 1985) - tr44, khổ thứ hai).

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ bế tắc và khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo của cách mạng nước ta. Quán triệt chủ trương chung của Đảng, từ giữa năm 1930, chi bộ Đảng ở Long Châu đã hướng nhiệm vụ trọng tâm là bắt mối, gây dựng các tổ chức cách mạng ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ phân công nhiệm vụ xây dựng phong trào cách mạng ở Lạng Sơn. Với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, từ những cơ sở cách mạng đầu tiên ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Tân Thanh, đến giữa năm 1933, (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1930 - 1985, tr.49, dòng thứ hai) phong trào cách mạng ở Lạng Sơn đã phát triển tới nhiều xã của châu Văn Uyên như: Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá.

Ngày 22/9/1940, phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Ngày 25/9/1940, quân Pháp ở châu Bình Gia, liền cạnh châu Bắc Sơn cũng bỏ đồn, vứt súng đạn chạy trốn. Sự hoảng loạn của thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tạo thời cơ thuận lợi cho Đảng bộ và quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn nổi dậy tiến hành cuộc khởi nghĩa.

Sau khi thoát khỏi nhà tù của thực dân pháp ở Lạng Sơn, tối ngày 26/9/1940, đồng chí Nông Văn Cún, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức đã họp với một số đồng chí đảng viên chi bộ xã Hưng Vũ để nhận định tình hình và thảo luận phương án phát động quần chúng cách mạng nổi dậy khởi nghĩa vũ trang. Sau khi thảo luận, các đồng chí có mặt trong cuộc họp quyết định sáng sớm hôm sau Đảng bộ Bắc Sơn sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thông qua chủ trương khởi nghĩa và ấn định kế hoạch khởi nghĩa.

Sáng 27/9/1940, Đảng bộ Bắc Sơn triệu tập cuộc họp tại đình Nông Lục, xã Hưng Vũ quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ngay trong ngày 27/9/1940. Giờ khởi nghĩa được chọn vào lúc chập tối từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ. Mục tiêu tấn công đầu tiên là đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.

Tối ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Sau một thời gian ngắn, quân khởi nghĩa đã tấn công đánh chiếm được đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn, quân địch bỏ chạy, chính quyền địch tan rã. Trước khí thế hừng hực của cuộc khởi nghĩa, phát xít Nhật và thực dân Pháp vội vàng thoả hiệp để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chiếm lại châu lỵ, thiết lập lại chính quyền bù nhìn tay sai. Tuy nhiên, địch vẫn không dập tắt được tinh thần chiến đấu của Nhân dân, tổ chức quần chúng và khí thế cách mạng của cuộc khởi nghĩa vẫn được duy trì.

Lúc này, yêu cầu đòi hỏi cấp bách được đặt ra là đưa cuộc khởi nghĩa tiến lên. Vì vậy, sau khi nắm bắt được tình hình, đầu tháng 10/1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh đến Bắc Sơn tiếp tục lãnh đạo phong trào.

Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập một cuộc họp với các đảng viên ở Sa Khao (xã Vũ Lăng) để bàn về các biện pháp xây dựng phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Qua thảo luận, Hội nghị quyết định: Tập trung đảng viên và một số quần chúng tích cực, thu thập vũ khí để thành lập đội du kích Bắc Sơn. Xây dựng vùng Nà Tấu (xã Ngư Viễn); Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Ne, Bản Nhi xã Vũ Lăng (hiện nay các địa danh Sa Khao, Mỏ Tát thuộc xã Tân Hương) thành khu căn cứ du kích Bắc Sơn.

Sau cuộc họp, một cuộc mít tinh diễn thuyết lớn đã diễn ra tại làng Đon Uý, xã Vũ Lăng (nay thuộc xã Tân Hương). Tại cuộc mít tinh, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố “Đội du kích Bắc Sơn” được thành lập và kêu gọi Nhân dân ủng hộ Đội du kích, tiếp tục đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa.

Trước khí thế đấu tranh sôi nổi của quần chúng, Ban lãnh đạo khởi nghĩa quyết định tập trung lực lượng đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài. Trước khi tiến công, ngày 28/10/1940, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại trường Vũ Lăng để vận động quần chúng và biểu dương lực lượng. Giữa lúc quần chúng cách mạng đang dự mít tinh, quân Pháp và tay sai đã huy động lực lượng tập kích bất ngờ, làm cho lực lượng của ta bị phân tán. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị kẻ thù khủng bố và đàn áp khốc liệt.

Sau cuộc tập kích của địch, ngày 29/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập một cuộc họp gồm các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng bộ châu Bắc Sơn tại thôn Nà Pán, xã Vũ Lăng (nay thuộc xã Tân Hương). Cuộc họp quyết định rút toàn bộ cán bộ, đảng viên đã bị lộ cùng đội du kích vào rừng sâu để tiến hành hoạt động bí mật; đối với cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì kiên quyết bám lấy quần chúng để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng ở các xã thuộc châu lỵ Bắc Sơn.

Tháng 11/1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy tại Đình Bảng (Bắc Ninh) đã quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn, đề ra nhiệm vụ và phương hướng hoạt động cho Đội du kích Bắc Sơn là kết hợp hình thức vũ trang tuyên truyền, vừa chiến đấu chống khủng bố, vừa bảo vệ và xây dựng cơ sở quần chúng, tiến tới thành lập căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.

anh-1111(1).jpg

Đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng

Khởi nghĩa Bắc Sơn tuy là phong trào đấu tranh của một địa phương, nhưng nó lại có một vị trí lịch sử rất quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của phong trào cách mạng Lạng Sơn sau hơn 10 năm đấu tranh gian khổ và kiên cường. Từ những hình thức đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tiến lên tổ chức đấu tranh chính trị rộng rãi, từng bước sử dụng đấu tranh vũ trang, tập dượt cho quần chúng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đã mở đầu thời kỳ cách mạng nước ta sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng, đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập, tự do. Tiếng súng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã thức tỉnh tinh thần cách mạng của Nhân dân cả nước. Khởi nghĩa Bắc Sơn mãi mãi được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần 2 (1946 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc (1955 - 1975), phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường vừa chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi. Trong 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1985), Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Bắc Sơn vừa xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương sau chiến tranh, vừa tham gia chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Quang Huy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Sơn, nói: Để tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cũng như những thành quả của các thế hệ cha anh đi trước, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện hiện tốt và có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác để từng bước vươn lên giành những thành tựu mới.

Trên chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, với mục tiêu “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, trong những năm qua Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bắc Sơn luôn phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước; đoàn kết, nỗ lực quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn thử thách, xây dựng huyện Bắc Sơn ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao, tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn vững mạnh…

Bí thư Huyện ủy Bắc Sơn chia sẻ thêm: Hiện nay, Đảng bộ huyện Bắc Sơn có 56 tổ chức cơ sở đảng, với tổng số là 7.115 đảng viên; công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm triển khai thực hiện, nhằm xây dựng Đảng bộ huyện Bắc Sơn ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; góp phần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Nghị Quyết Đảng hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), phấn đấu xây dựng huyện Bắc Sơn phát triển toàn diện và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghĩa Bắc Sơn: Tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng