Văn hóa - Du lịch

Khơi dậy tinh thần Duy Tân hào kiệt

Kim Sáng 19/03/2024 - 18:09

Đó là chủ đề buổi toạ đàm được tổ chức nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 98 của nhà ái quốc Phan Châu Trinh, một nhân vật lịch sử vĩ đại của Việt Nam.

Nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 98 của nhà ái quốc Phan Châu Trinh (1926-2024), đồng thời ghi nhận và ca ngợi di sản văn hóa đặc biệt mà ông đã góp phần xây dựng cho đất nước, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hoá Nam Bộ tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề "Tinh thần Duy Tân hào kiệt".

Chương trình được tổ chức tại sân khấu đường sách TP.HCM. Dù diễn ra trong tuần, nhưng sự kiện vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó nhiều người nước ngoài, các em học sinh khi đi tham quan đường sách đã nán lại để theo dõi chương trình.

p1990112.jpg
Chương trình toạ đàm được tổ chức tại đường sách TP.HCM.

Đến với sự kiện, mọi người như được trở lại quá khứ, tìm hiểu về tinh thần Duy Tân và những ý nghĩa sâu sắc, có tính ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và hạnh phúc của Nhân dân.

Đó là không gian, thời gian của những năm đầu thế kỷ 20, khi Phong trào Duy Tân nổ lên như một ngọn lửa hy vọng, đánh thức lòng tự hào dân tộc và khát vọng giành lại độc lập, phát triển xã hội và tiến bộ văn hóa.

p1990114.jpg
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ tại buổi toạ đàm.

Mở đầu buổi toạ đàm, Ths., Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ đã khái quát về tiểu sử, chân dung 3 nhân vật của phong trào Duy Tân, gồm nhà sáng lập tờ báo Tiếng Dân Huỳnh Thúc Kháng, doanh nhân ái quốc Phan Thúc Duyện, bậc thầy Duy Tân Phan Châu Trinh.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh, "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh" là 3 chuỗi giá trị trong sứ mệnh, tầm nhìn rất tiến bộ của những người thanh niên đầy nghĩa khí, có lý tưởng lớn lao.

p1990132.jpg
Buổi toạ đàm nhằm khơi dậy tinh thần Duy Tân hào kiệt của những nhân vật lịch sử vĩ đại.

Do đó, chương trình hôm nay tập trung vào ý nghĩa của tinh thần Duy Tân trong ba khía cạnh chính, gồm: cải cách xã hội, nâng cao dân trí và giáo dục, cùng với phương pháp bất bạo động để khôi phục đất nước.

Chương trình tái hiện lại những hoạt động thực tế mà các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Trần Quý Cáp cùng các đồng đội đã thực hiện như mở rộng kinh tế, xây dựng các trường học hiện đại, khám phá con đường dân chủ văn minh...

Từ đó, mọi người cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của tinh thần Duy Tân. Đó không chỉ là một cuộc vận động lịch sử, mà còn là một nguồn cảm hứng vô tận, động lực để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước với tình yêu thương, niềm tự hào và sự tự tin về nền tảng của cha ông buổi trước đã dầy công kiến tạo.

p1990147.jpg
Chương trình có sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Hải Phượng –Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM, ông Nguyễn Đông Hòa - đại diện gia đình cụ Phan Châu Trinh...

"Chương trình không chỉ là một sự kiện kỷ niệm, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, lan tỏa và gìn giữ di sản văn hóa của những nhân vật vĩ đại. Đồng thời, tiếp nguồn ánh sáng để cùng nhau tôn vinh tinh thần Duy Tân, tiếp tục xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam mến yêu", Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói.

Đặc biệt, khi nói đến nhà ái quốc Phan Châu Trinh, mọi người nhớ đến câu chuyện "Chi bằng học", một câu chuyện mang tinh thần trọng việc học của cụ.

Câu chuyện mang mục đích “ôn cố tri tân”, nhắc lại những giá trị cao đẹp của hơn trăm năm trước nhưng vẫn mang tính thời đại. Đây được xem là chìa khóa vàng, giúp mỗi chúng ta biết quý trọng việc học tập hơn vì học tập không chỉ học cho mình, không phải học vì khoa cử danh vị, mà học để tạo những phiên bản mới hơn cho chính mình vươn lên tầm cao mới, học cho quê hương xứ sở, học cho sự thịnh vượng của nước nhà.

Từ "Chi bằng học" bắt nguồn từ trong câu nói của cụ Phan Châu Trinh rằng: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là “Chi bằng học”.

Câu nói mang luận điểm đặc biệt này nằm trong bài "Hiện trạng vấn đề", đăng trên Đại Việt tân báo hồi năm 1907 khiến cho nhiều trí thức giả yêu nước rất bất ngờ và đầy ngưỡng mộ, trong đó có cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong khuôn khổ buổi toạ đàm, khán giả cũng có dịp thưởng thức ca cổ “Anh hùng cử duyện”, do Nghệ sĩ Kim Anh và nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh trình bày và vở diễn “Chặp cải lương Duy Tân hào kiệt”, do các thành viên CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ biểu diễn. Hai tác phẩm này đều chung của tác giả Hồ Nhựt Quang.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết thêm, ông đã lên kế hoạch để tiếp tục khơi dậy tinh thần Duy Tân hào kiệt trong các trường học. Từ đó, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, góp phần hun đúc truyền thống yêu nước.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là một chí sĩ yêu nước người Việt Nam, sinh ngày 1/10/1876. Là người tài cao học rộng, năm 1900, ông đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương và được công nhận là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam.

Năm 1904, ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, tiếp tục nghiên cứu và phát triển sự nghiệp của mình. Ông đã trở thành một nhà lãnh đạo trong phong trào Duy Tân, một phong trào cải cách xã hội và chính trị ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Trong thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa (1946-1947), ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chính phủ và quốc gia mới của Việt Nam.

Ông đã trải qua nhiều khó khăn và gian khổ trong cuộc đời, như bị bắt và đày ở Côn Đảo, nhưng ông không bỏ cuộc và tiếp tục đấu tranh cho sự tự do của dân tộc.

Sáng lập báo Tiếng Dân và tham gia Chính phủ Liên hiệp là những thành tựu đáng kể khác trong sự nghiệp của ông. Ông đã dành cả cuộc đời để phục vụ dân tộc và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, từng được Bác Hồ vinh danh với công lao to lớn.

Phan Thúc Duyện (1873-1944) là một trong những nhà ái quốc của phong trào Duy Tân ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến với bút danh Phong Thử và những bút hiệu khác như My Sanh, Nam Phong.

Phan Thúc Duyện đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900) tại Trường Thừa Thiên, xếp thứ 6 trong số 42 thí sinh, sau Huỳnh Thúc Kháng (người đạt điểm cao nhất), Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh và Phan Thúc Vĩnh.

Tuy nhiên, thay vì theo đuổi sự nghiệp quan trường, ông tích cực tham gia vào phong trào Duy Tân ở quê hương cùng với Trần Quý Cáp và Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh (1872 – 1926) là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt Nam. Ông cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Năm 1903, ông được bổ thừa biện bộ Lễ. Chính vào thời gian làm việc ở kinh đô Huế, ông có dịp tiếp xúc với tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, sách của các nhà cách mạng dân chủ Âu Tây cùng những kế sách của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ.

Từ đó, ông bước đầu nhận thức ra con đường cứu nước mới, nên ông đã từ quan, đi tìm một phương sách cứu nước. Năm 1904, ông cùng hai người bạn đồng hương và cũng là đồng chí (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) phát động phong trào Duy tân ở Quảng Nam.

Đầu năm 1906, ông ra Bắc bàn với thân sĩ Bắc Kỳ về phong trào Duy tân, tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội. Ông còn lên tận Phồn Xương thuộc chiến khu Yên Thế, gặp Hoàng Hoa Thám, rồi tìm đường sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu để quan sát tìm hiểu, nghiên cứu đường lối duy tân, tự cường của Nhật. Cuối năm này, ông về nước, viết Đầu Pháp chính phủ thư (thường gọi là Thư gửi Chính phủ Pháp), trình bày những nỗi khổ cực, bần hàn của dân ta dưới chính thể bảo hộ.

Bằng sự khôn khéo của mình, ông đã vận động được một người Pháp cấp tiến, lúc bấy giờ đang làm chủ nhiệm tờ Đại Việt tân báo dịch từ bản chữ Hán sang Pháp văn và đăng trên Tập san nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội. Bài viết được bất ngờ tung ra, gây thành dư luận xôn xao trong tầng lớp trí thức, viên chức Pháp, Việt và được coi như là tuyên ngôn của phong trào Duy Tân.

Năm 1908, khi phong trào chống thuế, đòi giảm sưu bùng phát ở Quảng Nam, rồi lan nhanh ra 10 tỉnh Trung Kỳ, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp. Lúc này, Phan Châu Trinh đang làm báo ở Hà Nội, nhưng thực dân Pháp viện cớ cho ông là người khởi xướng, bắt ông giải về Huế, giao cho Nam triều kết án, đày đi Côn Đảo.

Nhờ Hội Nhân quyền ở Pháp can thiệp, nên đến cuối năm 1911, chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho ông, nhưng đưa về quản thúc ở Mỹ Tho. Ông phản đối quyết liệt, gửi thư cho Chính phủ Pháp yêu cầu hoặc trả ông về Côn Lôn, hoặc để ông tự do sang Pháp. Thực dân Pháp cuối cùng đành chấp nhận để ông sang Pháp với người con trai là Phan Châu Dật.

Trong thời gian sống ở Pháp (1911-1925), Phan Châu Trinh đã phải tự lao động để sống, nhiều khi đói lạnh, cơ cực, nhưng không quên nhiệm vụ vận động cứu nước. Ông có nhiều quan hệ gắn bó với Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), thường giao du mật thiết với Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh. Nguyễn Tất Thành gọi ông là “Nghi bá” (người bác kết nghĩa với cha mình) hoặc là bác và tự xưng là cháu, hoặc “cuồng điệt” (đứa cháu hăng say).

Năm 1914, chiến tranh Pháp - Đức bùng nổ, ông bị vu cáo là làm gián điệp cho Đức và bị bắt giam ở ngục Santé gần một năm. Thời gian ở Pháp, ông đã viết Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký (nói rõ nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình và minh oan cho các thân sĩ bị Pháp bắt, tù đày, đặc biệt ông đã vạch trần bản án gian trá giết chết tiến sĩ Trần Quý Cáp). Bài viết Đông Dương chính trị luận (triển khai ý kiến phê phán sâu hơn, cụ thể hơn Đầu Pháp chính phủ thư trước đó).

Cũng trong thời gian ở Pháp, ông viết các tác phẩm: Tỉnh quốc hồn ca I và II; Santé thi tập. Đặc biệt tác phẩm cuối cùng là Thư thất điều gởi cho vua Khải Định khi ông vua bù nhìn này sang Pháp với ý đồ ám muội. Có thể coi đây là một đòn chí mạng của Phan Châu Trinh đánh thẳng vào chế độ phong kiến bù nhìn lúc bấy giờ.

Tháng 6/1925, ông được Chính phủ chấp thuận cho về nước. Do làm việc quá sức, bệnh cũ tái phát, ông lâm bệnh nặng và mất tại Sài Gòn ngày 24/3/1926. Đám tang ông đã trở thành một quốc tang (Deuil national), được cử hành trọng thể ở Sài Gòn. Hơn 140.000 người tham dự cuộc tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Xin nhấn mạnh: dân số Sài Gòn thời ấy chưa đến nửa triệu người...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy tinh thần Duy Tân hào kiệt