Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 một lần nữa khẳng định với quốc tế về vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Theo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại lễ Phật đản, hay còn được biết đến là Vesak, là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hàng năm của Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới. Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là: Đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn.
Đại lễ Vesak đã được Liên hợp quốc có nghị quyết xác lập là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình từ năm 1999. Kể từ đó, Đại lễ Vesak đều được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc và tại các quốc gia thành viên hàng năm.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” từ ngày 6 đến 8/5/2025, ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
Đại lễ Vesak năm nay diễn ra trong không khí tràn đầy hân hoan kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước: Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025); kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh 2/9 (1945-2025); cùng với lần thứ 4, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam mang ý nghĩa và tầm vóc vô cùng trọng đại. Đây sẽ là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của Việt Nam năm 2025.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là dịp để bạn bè quốc tế khắp nơi trên thế giới đến với TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp; để bạn bè quốc tế chứng kiến một Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm phóng; đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất.
Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 một lần nữa khẳng định với quốc tế về vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng mạnh mẽ trở thành ngọn hải đăng trong định hướng các hoạt động quốc tế của Phật giáo thế giới, trong việc xiển dương giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Thông qua các nội dung chương trình, hội thảo khoa học, hoạt động văn hóa, xã hội của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP. Hồ Chí Minh, bạn bè quốc tế càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam trong hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc. Tinh thần nhập thế đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, những đóng góp to lớn của Phật giáo trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong thành quả thống nhất đất nước qua hình ảnh Xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí chiêm bái tại Đại lễ Vesak năm nay.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đây phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam. Đại lễ cũng là dịp để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được xem là hoạt động rất tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đường lối đối ngoại nhân dân. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè quốc tế trên thế giới. Qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới. Tuyên bố Vesak TP. Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.