Thị trường phân phối, bán lẻ Việt lại thêm sóng sánh khi các tên tuổi trong nước quyết tâm giành thị phần nhờ những thương vụ hợp tác chặt chẽ với đối tác ngoại.
“Đặc sản” của FujiMart
Siêu thị FujiMart thuộc FujiMart Vietnam Retail LLC - “đứa con chung” của Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation sẽ khai trương siêu thị thứ 3 tại 324 Tây Sơn, Hà Nội trong tháng 5 này.
Trước đó đã có nhiều cái bắt tay giữa tên tuổi bán lẻ Nhật Bản với đối tác trong nước để phát triển các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. FujiMart là tên tuổi đi sau nhưng lại được cho là sẽ có độ bám rễ vững chắc.
Các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hàng hóa trước khi khai trương siêu thị FujiMart 324 Tây Sơn
FujiMart là sự cộng hưởng sức mạnh kinh nghiệm hơn 50 năm trong ngành bán lẻ của Sumitomo Corporation tại Nhật Bản và nước ngoài cùng sự am hiểu thị trường Việt Nam sâu sắc từ phía Tập đoàn BRG.
Thông qua mô hình siêu thị này, cả BRG và Sumitomo Corporation cùng mong muốn đem đến cho người dân Việt Nam những sản phẩm uy tín, chất lượng; thực phẩm ngon, bổ dưỡng và an toàn nhất. Khi chưa làm tròn vai đó, hai bên không vội mở siêu thị mới, dù có địa điểm tốt cỡ nào.
Giá thành, chất lượng, sự đa dạng, sự tiện lợi về vị trí của cửa hàng thường được coi là 4 yếu tố dẫn dắt sự thành công của các chuỗi bán lẻ. Nhưng đối với các nhà bán lẻ Nhật Bản thì chiều sâu mới là yếu tố “ăn điểm”. Các nhà bán lẻ Nhật Bản với lợi thế văn hóa kinh doanh chuộng chất lượng và đề cao sự gắn bó, trung thành.
Trong khi BRG, một Tập đoàn kinh tế lớn trong nước có lợi thế hiểu biết tâm lý và văn hóa tiêu dùng Việt Nam, có tiềm lực tài chính và khả năng liên kết chuỗi, kết nối nhà sản xuất, phân phối. Với nhiều dự án được đầu tư bài bản, Tập đoàn BRG đang không ngừng mở rộng dịch vụ kinh doanh, thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, với khát vọng trở thành một thương hiệu có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế.
Theo ông Keisuke Hitotsumatsu, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam, Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation đều có nguồn lực to lớn cùng kinh nghiệm nhiều năm trong vận hành và kinh doanh chuỗi siêu thị. Do vậy, sự hợp tác và khai trương thêm siêu thị FujiMart chắc chắn sẽ đóng góp cho sự phát triển không ngừng của ngành bán lẻ Việt Nam.
Chiến thuật chắc chắn
Sau hơn 2 năm kể từ siêu thị FujiMart đầu tiên đi vào hoạt động, FujiMart đã phát triển tổng số được 3 siêu thị. Đây là con số khiêm tốn khi cả hai đều là những “ông lớn” trên thị trường phân phối bán lẻ.
Lý giải về việc này, đại diện FujiMart Việt Nam khẳng định, thay vì nhân rộng mô hình một cách gấp gáp, FujiMart phải luôn cân nhắc và lên kế hoạch một cách cẩn trọng, để mở được những siêu thị thật chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Hà Nội.
Tuy theo mô hình của Nhật Bản, nhưng FujiMart sẽ bán sản phẩm của Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nước khác với mục đích đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, FujiMart sẽ đưa sang thị trường Việt Nam những sản phẩm chưa từng có mặt trên thị trường để đáp ứng nhu cầu chuộng hàng tiêu dùng chất lượng Nhật Bản.
“Trong thời gian tới, cùng với sự giao thoa sâu sắc giữa hai nền văn hóa, khi FujiMart hiểu rõ hơn về người tiêu dùng, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình siêu thị nhiều hơn nữa”, đại diện FujiMart cho biết.
Dù vậy cuộc đua tìm kiếm và lựa chọn mặt bằng đẹp chỉ là một trong những tiêu chí ưu tiên của FujiMart, ông Keisuke Hitotsumatsu, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam khẳng định, mục tiêu cao hơn là phục vụ tốt nhất cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực các siêu thị mở cửa.
Đây chính là sự lý giải cho chiến lược chắc chắn của FujiMart trước câu hỏi rằng với thế và lực lớn mạnh của 2 tập đoàn hàng đầu Việt Nam - Nhật Bản, tại sao Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation không phủ rộng ào ạt logo FujiMart khắp cả nước.
Bản lĩnh vươn tầm doanh nghiệp Việt
Giới chuyên gia cho rằng, sự chủ động tìm cơ hội hợp tác với các ông lớn nước ngoài của doanh nghiệp trong nước sẽ tạo luồng gió mới. Động thái này còn là minh chứng cho bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của các tập đoàn đa ngành trong nước.
Thay vì “đơn thương độc mã” như trước đây, các doanh nghiệp đã tìm kiếm những đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Tập đoàn BRG cũng không ngoại lệ khi bắt tay với Sumitomo Corporation nhằm mục đích “dẫn dắt” trên thị trường bán lẻ.
Hình ảnh bên ngoài siêu thị FujiMart thứ 3 tại 324 Tây Sơn
Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang thu hút mạnh mẽ các nhà bán lẻ ngoại. Sự xuất hiện ồ ạt của các tên tuổi này đã tạo ra sức ép lớn tới các doanh nghiệp trong nước. Bởi ngoài vốn mạnh, phương thức kinh doanh linh hoạt, doanh nghiệp bán lẻ cũng luôn nghiên cứu kỹ thị trường trước khi tăng độ phủ tại Việt Nam.
Trong khi đó, từ sự hiểu biết và thấu hiểu, các siêu thị Việt có thể đem đến chất lượng hàng hóa tốt, đa dạng và quan trọng nhất là phù hợp đến với người tiêu dùng. Đó chính là những điều mấu chốt nhất để siêu thị Việt giữ chân khách hàng.
Giới chuyên gia cho rằng, với khách hàng đi mua hàng, điều họ cần nhất vẫn là sự phù hợp với tâm lý mua sắm, chất lượng sản phẩm đảm bảo, sau nữa mới là mua được cái họ cần mua ở nơi thuận tiện.
Chẳng hạn, với FujiMart không chỉ chú trọng cải thiện không gian mua sắm để mang đến cảm giác thân thiện, thoải mái tới người tiêu dùng mà còn tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, gia tăng sự đa dạng của sản phẩm – đặc biệt là nhóm ngành thực phẩm tươi sống.
Với thế mạnh là hệ thống sản xuất và cung cấp hàng Việt Nam trải dài khắp đất nước của BRG, FujiMart có được nguồn cung đa dạng với chất lượng cao và nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đem đến những sản phẩm nội địa ưu việt nhất đến tận tay khách hàng.
Khi nhà bán lẻ biết cách mang lại lợi ích tốt nhất tới người tiêu dùng thì một lẽ tự nhiên sẽ có được sự gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ khách hàng - doanh nghiệp. Đây chính là chìa khóa đem đến kỳ vọng họ sẽ đánh bại mọi đối thủ trên thị trường.