Khi bằng cấp tỷ lệ thuận với thất nghiệp

Đắc Chuyên| 26/12/2015 08:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng thanh niên thất nghiệp, đặc biệt là thành niên có trình độ Đại học (ĐH) trở lên thất nghiệp ngày càng gia tăng đã phản ánh chính xác sự “lệch pha” giữa bằng cấp và năng lực thực tế, giữa đào tạo và nhu cầu thị trường.

Mới đây, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có trình độ ĐH trở lên chiếm 20% tổng số lao động thất nghiệp cả nước, đáng nói là tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng chóng mặt qua các tháng, năm. Đặc biệt, tỷ lệ thanh niên có trình độ ĐH ở thành thị thất nghiệp cao hơn gấp 5 lần so với con số thất nghiệp chung. Rất nhiều chính sách, phương án giải quyết tình trạng thất nghiệp được đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Là một người trực tiếp tham gia công tác đào tạo, dạy nghề nhiều năm nay, ông Bùi Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Dạy nghề - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã có những mổ xẻ xung quanh vấn đề này.

Bằng cấp cao không đồng nghĩa với cơ hội việc làm cao

Khi bằng cấp tỷ lệ thuận với thất nghiệp

Ông Bùi Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Dạy nghề - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM

Nói về tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, nhất là thanh niên có trình độ ĐH ở thành thị thất nghiệp ngày càng cao, ông Bùi Hồng Quân cho rằng, hầu hết thanh niên đều tập trung ở thành phố để học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm. Khi ra trường, ai cũng có nguyện vọng, mong muốn ở lại thành phố để tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn và có thu nhập xứng đáng.

Như vậy, rõ ràng tính cạnh tranh việc làm ở thành thị rất cao, đó là chưa đề cập đến bối cảnh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm những năm gần đây. Các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước liên tục đưa ra những đợt cắt giảm nhân sự, điều đó đồng nghĩa với cơ hội việc làm cho thanh niên ngày càng giảm, trong khi đó, mỗi năm lại có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ.

Tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp ĐH trở lên thất nghiệp lớn cho thấy rõ sự mất cân bằng giữa cán cân cung - cầu. Tức là các cơ sở đào tạo chỉ quan tâm tới số lượng mà không quan tâm tới chất lượng, không quan tâm tới việc đào tạo xong sinh viên có tìm được việc làm hay không. Sự kết nối lỏng lẻo, hời hợt giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp được đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Thêm nữa, hiện nay rất nhiều sinh viên còn nặng tư tưởng học để lấy bằng, chưa chú trọng đến việc học để có năng lực thực sự, nhất là các kỹ năng mềm. Ông Quân khẳng định, những sinh viên như vậy sẽ gặp nhiều bất lợi trong quá trình tuyển dụng, bởi các doanh nghiệp yêu cầu ngày càng cao trong công việc.

“Thực tế, các bạn trẻ đều muốn có tấm bằng ĐH hoặc cao hơn nữa chứ không chấp nhận CĐ hay trung cấp, học nghề thì lại càng không dù họ biết cơ hội việc làm sau khi học xong rất khó khăn. Khi học xong, không tìm được việc làm ưng ý họ lại tiếp tục lao vào học lên cao hơn, nhưng bằng cấp cao không đồng nghĩa với cơ hội việc làm cao hơn, nhóm cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp tăng cũng từ đó mà ra”, ông Quân nhận định.

Thị trường hướng đến người lao động có năng lực thực sự

Khi bằng cấp tỷ lệ thuận với thất nghiệp

Những lao động có tay nghề đang là mục tiêu mà thị trường lao động nhắm tới

Trong năm 2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã đào tạo, dạy nghề cho hơn 402 nghìn thanh niên, tập trung ở nhóm ngành thuộc kỹ thuật như: Điện, điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin…Theo thống kê, sau khi ra trường có từ 70 - 80% học viên tìm được việc làm.

Con số này chưa đạt kỳ vọng của những người đào tạo, tuy nhiên cho thấy người học nghề đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ông Quân cho biết, trong quá trình đào tạo, dạy nghề có những học viên chưa ra trường đã có doanh nghiệp sẵn sàng nhận vào làm.

Sự dịch chuyển dần xu hướng tuyển dụng từ bằng cấp sang năng lực ngày càng được thể hiện rõ và điều đó làm tăng sự cạnh tranh giữa các ứng viên. Các doanh nghiệp sẵn sàng nhận những người bằng cấp không cao có thể là trung cấp, sơ cấp hoặc học nghề nhưng đáp ứng được yêu cầu công việc, tay nghề. Đối với các trường hợp bằng cấp cao nhưng không có năng lực thực sự thì thất nghiệp luôn hiện hữu trước mắt. Ông Quân nhấn mạnh, ở Việt Nam đang thiếu lao động lành nghề có kỹ năng, thừa lao động có bằng cấp .

Theo ông Quân, cùng với sự dịch chuyển xu hướng tuyển dụng thì khái niệm lao động chất lượng cao cũng cần phải được nhìn nhận lại. Lao động chất lượng cao không hoàn toàn phụ thuộc vào bằng cấp. Những lao động có tay nghề đang là mục tiêu mà thị trường lao động nhắm tới.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên thời gian tới không giảm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Làm thế nào để bằng cấp không tỷ lệ thuận với thất nghiệp là câu chuyện không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được, vì thế, tình trạng thất nghiệp sẽ vẫn rất nóng trong thời gian tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi bằng cấp tỷ lệ thuận với thất nghiệp