PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, amoniac (NH3) là một trong những loại chất độc rất nguy hiểm. Người hít phải amoniac nồng độ cao có thể tử vong sau vài phút.
Sáng ngày 10/10, vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) tại Trạm chiết gas amoniac thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc (số 217B/7 ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh) khiến 4 người phải nhập viện, hàng chục gia súc, gia cầm của người dân tại khu vực chết vì ngạt khí đã khiến người dân không khỏi lo lắng. Vậy amoniac là chất gì và độc hại như thế nào?
PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, amoniac (còn gọi là amonia) là tổ hợp của amonia tự do NH3 và ion NH4+. Đây là chất hóa học tự nhiên trong bầu không khí, như một hóa chất nhân tạo cần thiết cho cuộc sống và sản xuất. Ở nhiệt độ phòng, NH3 là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.
Amonia này có thể xuất hiện từ nguồn nước thải chưa qua xử lý của các nhà hàng, quán ăn, từ các hộ dân; hoặc từ quá trình yếm khí trong nước mà trong đó, nitơrat và các hợp chất nitơ chuyển hóa thành amonia… Còn ở trong vụ việc này, NH3 được xác định do rò rỉ, khi đó HN3 ra ngoài không khí bay hơi rất nhanh.
Rò rỉ khí NH3 ở TP.HCM, 4 người ngất xỉu, sơ tán hơn 1.300 dân. Ảnh: tuoitre
Theo PGS Trần Hồng Côn người tiếp xúc với khí amoniac ở nồng độ thấp như ở các nhà vệ sinh công cộng sẽ thấy cay mắt, chưa tới mức ngộ độc. Tuy nhiên, nếu nồng độ chỉ cần tăng cao hơn một chút, amoniac sẽ tác động rất mạnh tới hệ thần kinh.
Khi vào trong máu, khí này tan trong nước và làm tăng pH của máu, gây ra rất nhiều tác hại. Khi hít phải một hàm lượng amoniac nhất định thì sẽ nhanh chóng bị hôn mê, mất ý thức. Nếu không cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong.
"Amoniac khi vào cơ thể qua đường hô hấp thì sẽ vào máu tương đối nhanh và khi tan trong máu sẽ tạo thành hợp chất kiềm yếu. Hợp chất này đi vào hệ thần kinh và làm con người ngất xỉu ở trong thời gian rất ngắn. Ngưỡng từ trạng thái bình thường đến trạng thái mất tri giác, hôn mê rất nhanh. Điều này khiến vụ việc như trên là cực kỳ nguy hiểm", PGS Côn cho hay.
Cũng theo PGS Côn, nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong. Nếu vô tình ăn hoặc uống amoniac đậm đặc có thể bỏng ở miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng, nôn.
Đáng chú ý, trong môi trường có nồng độ amoniac cao, đeo khẩu trang cũng không có tác dụng, ngay cả các loại khẩu trang có than hoạt tính cũng chỉ mang lại tác dụng phòng ngộ độc khí amoniac trong thời gian rất ngắn.
Do vậy, khi cấp cứu người bị hôn mê, người cứu phải có mặt nạ phòng độc. Người bị hôn mê sau khi đưa ra ngoài khu vực rò rỉ khí amoniac thì phải hô hấp nhân tạo rồi đưa ngay đến bệnh viện, PGS Côn khuyến cáo.