Tòa án địa phương

Khảo sát việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên

Trang Trần 18/03/2024 - 14:45

Ngày 18/3, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có buổi làm việc với TAND TP. Đà Nẵng về “Việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên" tại TAND 2 cấp TP. Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Tham dự buổi làm việc, về phía TAND TP. Đà Nẵng có bà Nguyễn Thị Cảnh - Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND TP. Đà Nẵng; các Phó Chánh án TAND TP. Đà Nẵng; Chánh tòa Tòa Gia đình và người chưa thành niên; các Chánh án TAND quận, huyện trực thuộc.

Về phía TP. Đà Nẵng có đại diện lãnh đạo Công an; VKSND TP. Đà Nẵng; Trường giáo dưỡng số 3; Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng; Sở Lao động - Thương binh Xã hội TP. Đà Nẵng và Công an phường Hòa Cường Bắc.

ubtp-quoc-hoi-khao-sat-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-tai-da-nang.00_02_23_14.still003.jpg
Bà Nguyễn Thị Cảnh - Chánh án TAND TP. Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã được nghe lãnh đạo TAND TP. Đà Nẵng báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2023, TAND TP. Đà Nẵng đã thụ lý 275 vụ, 854 bị cáo; đã giải quyết 213 vụ, 695 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết 62 vụ, 159 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm. Số người phạm tội có lứa tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 90%.

Không có án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp sửa án là giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

TAND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, đưa vào trường giáo dưỡng 12 trường hợp, đều được đảm bảo thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Ngoài việc thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, chứng minh việc phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt chú ý, thận trọng trong việc thu thập tài liệu dùng làm căn cứ xác định tuổi, nhân thân của bị can, bị cáo, nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, trong quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nhằm đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Đặc biệt, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức xã hội, đoàn thể tham gia trợ giúp pháp lý cũng đã tích cực tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng…

ubtp-quoc-hoi-khao-sat-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-tai-da-nang.00_02_20_13.still002.jpg
Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm UBTP kết luận buổi làm việc.

Trong các vụ án có bị cáo/bị hại là người chưa thành niên luôn đảm bảo thành phần HĐXX sơ thẩm có Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ.

Trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án 100% bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, TAND hai cấp thành phố đã chỉ định 450 lượt (Thành phố 123, Hải châu 29, Thanh Khê 31, Liên Chiểu 0, Ngũ Hành Sơn 16, Hòa Vang 20, Sơn Trà 105, Cẩm Lệ 126) người bào chữa, bảo vệ cho các bị cáo và bị hại là người chưa thành niên.

Việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử và quyết định áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo đều thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đúng người đúng tội, đảm bảo được tác dụng giáo dục răn đe và phòng ngừa chung.

Đối với người chưa thành niên là người bị hại được bảo vệ trong vụ án đặc biệt thì Tòa án quyết định việc xét xử kín. Ngoài ra, khi tiến hành xét hỏi, tranh luận với người chưa thành niên là bị cáo, bị hại, người làm chứng được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của người chưa thành niên tại phiên tòa.

ubtp-quoc-hoi-khao-sat-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-tai-da-nang.00_02_17_22.still001.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TAND TP. Đà Nẵng cũng đã nêu ra một số khó khăn, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tư pháp người chưa thành niên như: về cơ sở vật chất hiện tại đơn vị chưa có “phòng xử án thân thiện”; còn nhiều vướng mắc trong việc cử người giám hộ cho người dưới 18 tuổi.

Thực tế hiện nay, mặc dù BLTTHS có một chương riêng quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi nhưng không có quy định riêng về thi hành án đối với người chưa thành niên phạm tội mà vẫn thực hiện theo Luật Thi hành án hình sự và theo quy định của BLTTHS.

Qua báo cáo tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác UBTP của Quốc hội cùng các đại biểu tham gia đã đánh giá, trao đổi, làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc.

Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc của TAND TP. Đà Nẵng.

Đối với những khó khăn, vướng mắc, các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi khảo sát trong việc chấp hành pháp luật tư pháp người chưa thành niên mà TAND hai cấp TP. Đà Nẵng và các đơn vị nêu ra, đoàn công tác UBTP của Quốc hội sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khảo sát việc chấp hành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên