Ngày 3/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về công tác phòng chống và điều trị bệnh MERS-CoV.
Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường quản lý ca bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện nhằm đối phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, các bệnh dịch nguy hiểm ở Việt Nam như dịch SARS, H5N1 thường được phát hiện từ bệnh viện … Mặt khác, bệnh dịch MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (khoảng 2 tuần), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng và rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, từ dịch SARS cho thấy kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho...
Bên cạnh đó, tại các khoa khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế. Các bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.
Trong ngày 4/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại một số bệnh viện ở phía Nam. Đoàn sẽ kiểm tra công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh… trong bệnh viện. Cục cũng chỉ đạo các bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị MERS-CoV cùng với tập huấn điều trị các bệnh truyền nhiễm khác… Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, kịp thời ứng phó với bệnh MERS-CoV; tập huấn cho cán bộ hướng dẫn chẩn đoán điều trị về bệnh MERS-CoV...
Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng tăng cường phối hợp cập nhật tình hình dịch bệnh và những người có nguy cơ từ vùng dịch về để quản lý và điều trị kịp thời.
Đến ngày 2/6, Hàn Quốc ghi nhận 25 ca nhiễm virus vùng Trung Đông MERS-CoV, trong đó 2 người tử vong (một phụ nữ 58 tuổi và một cụ ông 71 tuổi).