Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tăng lương tối thiểu vùng 6% và tăng 15% lương hưu.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất. Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả.
Được biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã tổ chức nhiều cuộc họp, tuy nhiên chỉ có 04 nội dung về cải cách tiền lương là thực hiện được và 02 nội dung vẫn chưa thể thực hiện. Đó là bảng lương mới ở cơ sở và xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, trả mức lương từng vị trí nào cho thích hợp.
Bên cạnh đó, quá trình cải cách dài nhưng vấn đề xác định vị trí việc làm mặc dù chung lĩnh vực chưa được đồng bộ, chưa thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương. Quan điểm của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương là lùi thời điểm cải cách tiền lương để Chính phủ tính toán kỹ. Nguyên tắc là phải xác định vị trí việc làm trên cơ sở sở tinh giản biên chế thì mới tính được các hệ số lương khác nhau và mới thực hiện được cải cách được tiền lương. Dự kiến, sắp tới Chính phủ sẽ tiến hành rà soát tổng thể các bảng lương cũng như vị trí việc làm, sau đó mới có tính toán cụ thể.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, hiện còn những vướng mắc, bất cập; cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện và phải sửa đổi rất nhiều văn bản liên quan, nhất là các chính sách gắn với mức lương cơ sở.
Tại Họp báo về kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, tính đến 01/7/2024, đã có 04 lần "lỡ hẹn" cải cách tiền lương. Trước những lần hoãn cải cách, nhiều người băn khoăn rằng liệu có tiếp tục cải cách tiền lương theo vị trí việc làm theo tinh thần của Nghị quyết 27 trước đó.
Về vấn đề này, tại điểm 5.2 khoản 5 Điều 3 Kết luận 83 nêu rõ: Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Như vậy, việc hoãn cải cách tiền lương chỉ là tạm thời. Các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới sẽ có thực hiện nghiên cứu đánh giá sự phù hợp cũng như tính khả thi; đồng thời đề xuất về việc thực hiện 05 bảng lương và 09 chế độ phụ cấp mới của khu vực công sao cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.
Vấn đề đặt ra ngay từ bây giờ là phải khẩn trương thực hiện cải cách toàn diện tiền lương, lương hưu, trợ cấp theo chủ trương của Đảng; bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và nguồn lực của đất nước.
Hiện nay, một số vấn đề có liên quan, nhất là vấn đề vị trí việc làm chưa được giải quyết cả về căn cứ khoa học cũng như thực tiễn tại một số đơn vị nên kế hoạch này cần phải thực hiện tiếp trong thời gian tới. Và để đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, các cơ quan chức năng cần xây dựng một cách khoa học và có căn cứ các vấn đề liên quan tới vị trí việc làm và các bảng lương.
Trước mắt, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Kết luận số 83 của Bộ Chính trị bảo đảm thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch, tăng thu nhập cho người hưởng lương và trợ cấp. Sau đó, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập, chế độ nâng lương, chế độ tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, vị trí việc làm…