Triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa” của nghệ sỹ Nhật Bản nổi tiếng quốc tế Fuji Hiroshi tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam mang đến những trải nghiệm thú vị cùng thông điệp ý nghĩa về môi trường dành cho nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bạn nhỏ.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa nhựa – chất liệu phổ biến để sản xuất đồ chơi – với nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ sự sống thời tiền sử, bao gồm cả khủng long. Qua đó, nghệ sĩ nhấn mạnh vòng lặp của tiêu dùng và rác thải, khơi gợi suy ngẫm về vai trò của nhựa trong đời sống cũng như tác động của chúng đối với hành tinh.
Triển lãm nghệ thuật “Kỷ nguyên nhựa” không chỉ là một không gian sáng tạo độc đáo mà còn là lời nhắc nhở về tác động của nhựa đối với môi trường.Triển lãm "Kỷ nguyên nhựa": Thông điệp về bảo vệ môi trường từ những món đồ chơi.Những tác phẩm tại triển lãm khéo léo lồng ghép thông điệp bảo vệ hành tinh, khuyến khích mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức rõ hơn về tác hại lâu dài của việc sử dụng nhựa.Sau 7 năm kể từ khi ra mắt, tới nay, triển lãm nghệ thuật "Kỷ nguyên nhựa" của nghệ sĩ Fuji Hiroshi đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (Hà Nội).Không gian trong nhà của triển lãm thu hút khách tham quan. Để thực hiện các tác phẩm là khủng long hay các con thú, tác giả đã phải thu thập hơn 50.000 đồ chơi cũ khác nhau từ trẻ em trên khắp Nhật Bản, sau đó những đồ chơi này được làm sạch và được tác giả sắp xếp, lắp đặt cùng với các nguyên liệu hóa thạch của tự nhiên.Các tác phẩm không chỉ làm cho người xem trầm trồ bởi tính sáng tạo và kỹ thuật, mà còn khơi gợi sự suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Qua đó, triển lãm thúc đẩy mọi người xem xét lại cách thức tiêu thụ và xử lý các sản phẩm nhựa trong cuộc sống hàng ngày.Những sáng tạo độc đáo này đã khiến không ít khán giả ngạc nhiên. Chị Vũ Thị Hà (cư trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ cảm nhận sau khi tham quan triển lãm: "Mình thật sự bất ngờ khi những món đồ chơi nhựa thông thường lại có thể được biến thành những tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn như vậy. Từ những nhân vật hoạt hình quen thuộc như Doraemon hay Pikachu, nghệ sĩ đã ghép chúng lại thành những tác phẩm với cấu trúc vô cùng vững chắc".
"Một điều nữa khiến mình ấn tượng là cách tác giả kết hợp hình tượng khủng long – sinh vật cổ đại – để làm nổi bật vòng lặp của nhựa và lịch sử. Điều này không chỉ giúp trẻ em hiểu rõ hơn về quá khứ, mà còn nâng cao ý thức của các em trong việc sử dụng đồ nhựa hiện nay", chị Hà cho biết.
Triển lãm không chỉ thu hút sự chú ý của người lớn mà còn làm các em nhỏ thích thú. Bé Nguyễn Thuỳ Dương, học sinh trường Mầm non Hoa Hồng hào hứng chia sẻ: "Con rất thích những mô hình này. Con biết chúng được làm từ đồ chơi nhựa và mang thông điệp bảo vệ môi trường".Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 15/3 đến ngày 1/6/2025 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, số 27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, trong đó có hơn 0,7 triệu tấn thất thoát ra biển.
Số lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ chiếm 27% tổng lượng rác thải nhựa. Vì vậy, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa ra biển lớn nhất thế giới. Dù nhà nước đã có nhiều giải pháp khắc phục nhưng kết quả còn chưa cao. Nên việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn nạn rác thải nhựa được xem là một giải pháp cốt lõi.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.