Văn hóa - Du lịch

Khám phá lễ “Tài khoăn” lưu truyền ngàn đời của người Nùng

Nguyễn Liên 14/02/2024 - 15:43

Sau Tết cổ truyền, nhân dân ta lưu truyền phong tục truyền thống, ngày con cháu quây quần mừng thọ ông bà, cha mẹ. Người Nùng Bắc Kạn có lễ “Tài khoăn” được hiểu là lễ mừng thọ và được đồng bào tổ chức vào ngày sinh nhật hoặc dịp đầu Xuân. Đây cũng là một nghi lễ độc đáo được lưu truyền ngàn đời nay vô cùng độc đáo trong cộng đồng dân tộc Nùng ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Sau dịp lễ Tết tại các tỉnh miền núi phía Bắc là mùa các nghi lễ cầu cho nhân dân bình an, mùa màng được tươi tốt, năng xuất,… hay lễ cầu phúc lộc cho các thành viên trong gia đình luôn được quan tâm và đặt lên trên hết.

na-ri(1).jpg
Nghệ nhân Nông Văn Hồ (ngoài cùng bên phải) cùng người phụ lễ cắt dán bài trí mâm thờ "lườn va" theo tín ngưỡng Pựt của người Nùng huyện Na Rì (Ảnh Thu Trang)

Nghệ nhân Nông Văn Hồ, thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là người đã thực hành nhiều lễ "Tài khoăn" theo phong tục của người Nùng cho rằng, việc tổ chức lễ này cho người già rất quan trọng. Thông thường khi trong nhà có người đến tuổi mừng thọ, gia chủ sẽ đi nhờ xem ngày lành, tháng tốt để tổ chức lễ "Tài khoăn". Thường thì người ta sẽ chọn đúng ngày sinh nhật để làm lễ, nhưng nếu sinh nhật trùng vào dịp đầu xuân năm mới thì gia chủ sẽ tổ chức lễ "Tài khoăn" vào dịp này.

“Nhà nào còn đầy đủ cha mẹ từ 70 tuổi trở lên thì làm lễ "Tài khoăn". Nếu làm lễ chính thì thường làm vào ngày sinh nhật của người được làm lễ. Ngoài ra, lễ tài khoăn còn thường được tổ chức cả trong những dịp Tết để có đầy đủ con cháu, rồi làm lễ giải hạn đầu năm luôn”, nghệ nhân Nông Văn Hồ cho biết.

Công tác chuẩn bị được những người phụ lễ khéo tay cắt dán tại chỗ, ghép bè hoa, dựng “lườn va” - nhà để bà mụ ở theo quan niệm của người Nùng. Những cành khảo quang, hoa chuối rừng đỏ thắm cũng được các “nàng hương”, người phụ lễ mang từ rừng xuống.

Sau khi chuẩn bị xong, thầy bắt đầu hành lễ, lúc này trong nhà rộn ràng tiếng xáu mặc (chùm chuông đồng của người hành lễ). Giọng thầy vang vang trong ngôi nhà ấm cúng, các thành viên trong gia đình tinh thần vô cùng phấn chấn.

Lúc này, hành trình tìm hồn đã được slay (thầy) mời các đấng siêu nhiên trợ giúp. Trong suốt hành trình thực hành lễ, tiếng xáu mặc vẫn đều vang, giọng hát thầy Pựt khi trầm, khi bổng cùng xôn xao tiếng nói cười.

Đến cửa “Va” (cửa bà mụ), thầy Pựt ra câu đố, các thành viên nữ trong gia đình ngồi cạnh trả lời. Cách trả lời cũng rất độc đáo, với nhịp điệu, âm thanh như thể hát sli.

na-ri-2.jpg
Những người phụ nữ trong họ tộc trả lời câu đối của thầy Pựt tại lễ "Tài khoăn" (Ảnh Thu Trang)

Mâm lễ chuẩn bị cho nghi thức mừng thọ của người Nùng khá đơn giản, chỉ cần hai mâm với những vật cúng không quá cầu kỳ. Một mâm chính gồm 4 bát gạo để thắp hương, 5 chén, quà bánh… Điều đặc biệt, trong mâm lễ chỉ rót trà chứ không rót rượu.

Cạnh mâm lễ chính là một mâm khác, trong mâm đặt một bát gạo để cắm hương, bánh Mjoọc (một thứ bánh chay đặc trưng của người Nùng dùng vào việc cúng lễ) do con cái làm và mang đến. Tùy con cháu ít hay nhiều mà mâm to hay nhỏ.

Lễ mừng thọ của người Nùng nơi đây thường được tổ chức kéo dài đến 4 - 5 giờ đồng hồ.

Thường khi nhà nào tổ chức lễ mừng thọ cho người già trong gia đình, nhà có điều kiện thì mổ dê làm lễ, còn không thì có thể thay bằng ngỗng, con gái xuất ngoại sẽ mang thịt lợn quay về làm lễ, góp mâm để tỏ lòng hiếu nghĩa.

Nghi thức mừng thọ của người Nùng được các thầy Pựt và slay thực hiện theo 2 bước chính. Đầu tiên là từ nhà ra cửa. Ở bước này có 3 phân đoạn cụ thể là làm đường qua Thổ công, Thành hoàng làng đến bàn thờ tổ tiên.

Bước 2 là giải hạn, phần này có hát Pựt rất thú vị. Điều đặc biệt, những trường đoạn trong các phần đều rất hấp dẫn với những câu hát, câu khấn mời của thầy Pựt tương ứng với mỗi bước, mỗi trường đoạn trong các bước.

Sau 5 giờ đồng hồ cầu an, tẩy những điềm xui, điềm gở, cũng là lúc thầy đã làm xong “phép” slau lườn, slau làng (lau nhà cửa) để mang lại sự mát mẻ về với gia chủ, về với người được tổ chức làm lễ mừng thọ, kết thúc lễ "Tài khoăn".

Ngoài mục đích tổ chức sinh nhật cho người già trong gia đình, lễ "Tài khoăn của người Nùng ở huyện Na Rì còn là một phương thức giáo dục hết sức độc đáo. Qua đó, vừa để con cháu tỏ lòng hiếu nghĩa, vừa để con cháu hiểu sâu sắc về công lao của cha mẹ mà biết cách cư xử cho phải đạo làm con.

Mâm lễ chuẩn bị cho nghi thức mừng thọ của người Nùng ở đây khá đơn giản, gồm một mâm chính gồm 4 bát gạo để thắp hương, 5 cái chén, quà bánh… và điều đặc biệt là trong mâm lễ chỉ rót trà chứ không rót rượu.

na-ri.jpg
Nghệ nhân Nông Văn Hồ, thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (áo xanh, mũ đỏ bên phải) là người đã thực hành nhiều nghi lễ “Tài khoăn” của người Nùng.

Ngoài ra, lễ vật bắt buộc phải có 6 con gà, trong đó có 4 con gà trống và 2 con gà mái. Khi làm lễ thì thịt 3 con trống, 2 con mái, còn 1 con thì để sống để Thầy làm lễ. Mâm lễ còn có 2 cái bánh Moỏc (một loại bánh giầy của người Nùng, không nhân) có đường kính khoảng 15-20cm để úp miệng giỏ (bên trong có một quả trứng luộc) và khoảng 10 cái bánh giầy nhỏ của con gái mang đến trong lễ mừng thọ mẹ.

Ông Nông Văn Thanh (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vừa tổ chức lễ Tài khoăn mừng tuổi 80 cho mẹ mình cho biết, Lễ mừng thọ của người Nùng ở đây thường được tổ chức trong một buổi khoảng 4-5 giờ và không nhất thiết phải bắt đầu vào giờ nào. Bởi vậy, gia đình ông Cường chọn làm lễ vào ban ngày để mời anh em họ hàng cùng đến chung vui, chúc thọ cho cụ bà.

“Năm nay, mẹ tôi 80 tuổi, mặc dù đã được nhà nước tổ chức lễ mừng thọ nhưng theo phong tục của người Nùng địa phương thì gia đình tôi vẫn tổ chức lễ "Tài khoăn" cho cụ. Theo các cụ từ đời xưa truyền lại nếu tổ chức lễ "Tài khoăn" thì sẽ phải tổ chức trong 3 năm liên tục. Đồ lễ để làm lễ "Tài khoăn" thì cũng không cần cầu kì lắm. Ngày xưa thường tổ chức làm lễ vào ban đêm nhưng bây giờ cải tiến rồi nên có thể tổ chức làm lễ vào ban ngày”, ông Cường nói.

Nghi thức mừng thọ của người Nùng được các thầy Mo thực hiện theo 2 bước chính. Đầu tiên là từ nhà ra cửa. Ở bước này có 3 phân đoạn cụ thể là làm đường qua Thổ công, Thành Hoàng làng đến bàn thờ tổ tiên. Bước 2 là giải hạn, phần này có hát pửt rất thú vị. Điều đặc biệt, những trường đoạn trong các phần đều rất hấp dẫn với những câu hát, câu khấn mời của thầy Mo tương ứng với mỗi bước, mỗi trường đoạn trong các bước.

Sau những nghi lễ tín ngưỡng cầu mong an bình, may mắn... thầy Mo sẽ thực hiện nghi lễ “slau lườn, slau lảng” (hay còn gọi là quét dọn nhà cửa) để xua đi những điều không may mắn cho gia chủ và người được làm lễ mừng thọ, đây là nghi thức cuối cùng trong lễ "Tài khoăn".

Lễ "Tài khoăn" của đồng bào Nùng trên địa bàn huyện là một mỹ tục, giàu tính nhân văn và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ngoài mục đích tổ chức sinh nhật cho người già trong gia đình, lễ "Tài khoăn" còn là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu nghĩa, thể hiện lòng biết ơn công lao dưỡng dục của các bậc sinh thành và người cao tuổi trong bản, trong làng...

Trong những năm qua, chính quyền địa phương tại đây đã tích cực bảo tồn và phát triển nghi lễ này cũng chính đã góp phần phát triển nhân cách con người trong cộng đồng Nùng ở địa phương. Để mỗi dịp Tết đến Xuân về, cháu con lại nhộn nhịp bước chân cùng sự kính trọng, hiếu nghĩa dâng lên cha mẹ, tổ tiên, để nhà nhà lại rộn vang tiếng nói cười trong những đêm "Tài khoăn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá lễ “Tài khoăn” lưu truyền ngàn đời của người Nùng