Đời sống

Thiên tai gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, hàng nghìn người thương vong trên toàn cầu

Khôi Anh 24/07/2025 - 17:49

Chiều 24/7, Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ nhất năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết nối tới 3.321 điểm cầu các xã, phường, đặc khu toàn quốc.

Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

thu-tuong-3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định số 1585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc hợp nhất ba cơ quan gồm Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia thành một Ban Chỉ đạo thống nhất. Quyết định quy định cụ thể nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Ban.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân các nạn nhân trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 và những thiệt hại do mưa lũ tại Nghệ An.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó nhanh, kịp thời với các tình huống thiên tai, sự cố bất ngờ để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường.

Thủ tướng dẫn chứng các hiện tượng bất thường gần đây như bão Yagi – mạnh nhất trong 70 năm, mưa lũ giữa mùa khô ở Trung Bộ, giông lốc gây lật tàu du lịch tại Quảng Ninh và ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha).

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, rút ra bài học, khắc phục hạn chế, đồng thời phân công rõ ràng trách nhiệm theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ kết quả. Việc này cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2024 và nửa đầu năm 2025, thế giới chứng kiến hàng loạt thiên tai nghiêm trọng với mức độ bất thường, cực đoan, thiệt hại vượt mức lịch sử.

Không chỉ các quốc gia đang phát triển mà ngay cả những khu vực có hạ tầng hiện đại cũng gánh chịu hậu quả nặng nề. Việt Nam cũng trải qua một năm thiên tai khốc liệt nhất trong nhiều thập kỷ qua, với số người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế tăng vọt gấp nhiều lần so với trung bình nhiều năm.

thientai.jpg
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo thống kê, năm 2024, toàn cầu đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, điển hình như trận động đất tại Nhật Bản ngày 1/1 gây thiệt hại kinh tế 743 triệu USD; mưa lũ tại Đông Phi trong tháng 3 khiến 230 người thiệt mạng; động đất tại Đài Loan ngày 3/4 gây tổn thất hơn 5 tỷ USD; sạt lở đất tại Papua New Guinea ngày 24/5 làm hơn 2.000 người chết; siêu bão Milton – cơn bão mạnh nhất hành tinh trong năm – đổ bộ vào bang Florida (Hoa Kỳ), khiến 16 người thiệt mạng, gây thiệt hại 50 tỷ USD; lũ lụt tại Tây Ban Nha trong tháng 10 làm 217 người thiệt mạng. Ngoài ra, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tuyết ở Hàn Quốc, lũ lụt tại Thái Lan cũng gây thiệt hại nghiêm trọng.

Báo cáo của Công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sỹ) cho biết, tổng thiệt hại do thiên tai trên toàn cầu năm 2024 ước đạt 310 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.

Trong những tháng đầu năm 2025, cháy rừng tại Los Angeles (Hoa Kỳ) xảy ra vào tháng 1 khiến 11 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất lên đến 150 tỷ USD. Tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), sạt lở đất ngày 8/2 làm 30 người chết và mất tích.

Trận động đất tại Myanmar ngày 28/3 khiến 3.710 người chết và mất tích. Mưa lũ cuối tháng 6 tại miền Nam Trung Quốc làm 6 người chết, buộc 90.000 người phải sơ tán. Lũ quét đầu tháng 7 tại Texas (Hoa Kỳ) làm 145 người thương vong.

Tại Việt Nam, năm 2024 ghi nhận một năm thiên tai bất thường, cực đoan trên khắp các vùng miền.

Cả nước chịu ảnh hưởng của 10 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 278 trận dông lốc, sét, mưa đá; 409 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; 472 trận động đất, 4 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng...

Tổng cộng đã có 519 người chết và mất tích, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và gấp 2,5 lần mức trung bình của 10 năm trước đó. Thiệt hại kinh tế ước đạt 91.622 tỷ đồng, cao gấp 10 lần năm 2023 và hơn 4 lần trung bình giai đoạn 2014–2023.

Trong số các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và mạnh nhất trong 70 năm qua khi đổ bộ đất liền Việt Nam.

Với cường độ rất mạnh, thời gian lưu bão kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, khiến nhiều tuyến sông vượt báo động 3, xuất hiện lũ lịch sử trên 7 tuyến sông chính. Hậu quả, 345 người chết và mất tích, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy, thiệt hại kinh tế gần 84.544 tỷ đồng.

Mưa lớn rạng sáng ngày 13/7 gây sạt lở Quốc lộ 34 tại Hà Giang, làm 11 người thiệt mạng, 4 người bị thương.

Từ ngày 23 đến 26/7, hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, khiến 18 người chết và mất tích, trong đó riêng tỉnh Sơn La có 6 người chết do sạt lở đất, tỉnh Điện Biên có 7 người chết và mất tích do lũ quét.

Từ ngày 28/7 đến 5/8, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục ghi nhận mưa lớn, lũ quét, sạt lở, làm thêm 18 người chết và mất tích. Cuối tháng 9, đầu tháng 10, mưa lớn tại Hà Giang với lượng mưa vượt 1.300mm khiến 6 người thiệt mạng.

Bão số 6 gây mưa lớn tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi từ ngày 26–30/10 làm 8 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất trên 1.345 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2025, nhiều đợt thiên tai nghiêm trọng tiếp tục xuất hiện. Từ ngày 17–19/5 và 20–22/6, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh hứng chịu mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Đặc biệt, từ ngày 10–14/6, mưa lũ lịch sử trái mùa xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Ngày 19/7, dông lốc tại Quảng Ninh trước khi bão số 3 đổ bộ đã làm 39 người chết và mất tích. Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lũ lớn tại Nghệ An.

Tính đến ngày 23/7/2025, thiên tai tại Việt Nam đã làm 114 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 553 tỷ đồng.

Các số liệu và diễn biến cho thấy thiên tai đang ngày càng cực đoan, bất thường, cả về cường độ, quy mô lẫn thời điểm xuất hiện. Trước thực tế này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, đầu tư củng cố hệ thống hạ tầng ứng phó thiên tai, tăng cường năng lực phòng ngừa, cũng như đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động ứng phó với rủi ro thiên tai trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, hàng nghìn người thương vong trên toàn cầu