Dư luận rất hoan nghênh sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đối với vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Đây cũng là bài học, lời cảnh tỉnh cho tất cả những cán bộ đảng viên, nhất là những đảng viên có chức quyền, có vị trí.
Dự án nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng thời ông Thanh đang phải bỏ hoang
Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Nhìn thẳng vào sự thật đó, Đảng xác định phương hướng chung về công tác xây dựng Đảng trong cả nhiệm kỳ là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay." Việc Đại hội XII của Đảng xác định phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và coi đó là nhiệm vụ vừa trọng tâm, cơ bản, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Đảng ta đã triển khai nhiều việc kiên quyết, tích cực, siết chặt kỷ luật của Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên, thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước..
Từ bài báo phản ánh các vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hậu Giang trên Báo Thanh Niên, ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao và yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà Báo Thanh Niên đã nêu, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 11/7, thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm; tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ; xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh; tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty PVC; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015. Ủy ban Kiểm tra đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành Công an rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định; yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh đã được sự đồng tình của nhân dân cả nước.
Đúng một tuần sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận về vụ việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc tích cực để làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan tới những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh; việc xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Liên quan đến sự vụ này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan làm rõ các sai phạm liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, sau khi xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, tại kỳ họp thứ VI diễn ra trong các ngày từ 6 đến 8/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng.
Ngày 8/9/2016, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (số 33-BC/UBKTTW, ngày 07/9/2016), Ban Bí thư đã kết luận những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông.
Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận các vi phạm, khuyết điểm. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đảng viên Trịnh Xuân Thanh.
Dư luận rất hoan nghênh sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đối với vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Vụ việc được giải quyết rõ ràng, công khai minh bạch và sớm công bố trước nhân dân; khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong vấn đề làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Nhà nước, của Đảng, không có "vùng cấm" trong việc xử lý các cán bộ sai phạm. Đây cũng là một bài học, lời cảnh tỉnh cho tất cả những cán bộ đảng viên, nhất là những đảng viên có chức quyền, có vị trí.
Cùng với đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chỉ đạo chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng như công văn chấn chỉnh công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên...
Nhìn nhận về động thái này, dư luận cho rằng quyết tâm đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Đảng đang biến thành hành động cụ thể và điều này sẽ giúp Đảng được trong sạch, vững mạnh, góp phần tránh nguy cơ đang đe dọa đối với sự tồn vong của Đảng.