Điều cốt lõi của mỗi chuyến xê dịch không gì khác là sự kiếm tìm giá trị văn hoá ẩn sau mỗi vùng đất, tộc người. Nhìn ra giá trị văn hoá, tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt và hấp dẫn chính là bài toán dành cho những người làm du lịch có tầm nhìn xa.
Văn hóa – sản phẩm du lịch nhiều tiềm năng
Vài năm trở lại đây, Việt Nam không còn là cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch thế giới khi được thiên nhiên ưu đãi, sức hấp dẫn của nền văn hóa - ẩm thực hàng nghìn năm lịch sử và sự đầu tư đúng tầm của nhiều nhà đầu tư lớn. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) đã xếp Việt Nam vào top 10 quốc gia tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới; còn Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đã nâng năng lực cạnh tranh của ngành lữ hành và du lịch Việt Nam 2019 lên 4 bậc, xếp thứ 63/140 quốc gia được đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những dòng sản phẩm du lịch trọng điểm của Việt Nam hiện nay như du lịch biển đảo hay du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá ngày càng chứng tỏ văn hoá không còn là giá trị tiềm ẩn mà có thể trở thành “đặc sản” thu hút khách du lịch.
Phố cổ Hội An được World Travel Awards bình chọn là "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019"
Hãy nhìn cách Hội An biến phố cổ thành di sản sống động, điểm đến được ca ngợi và giới thiệu trên nhiều tạp chí và kênh truyền hình quốc tế danh tiếng. Không chỉ hấp dẫn du khách khi dạo bước trong không gian kiến trúc nhà cổ phố cổ, điều níu chân du khách và khiến họ phải trở đi trở lại nơi đây là con người, nếp sống và “trầm tích văn hoá” lâu đời của xứ Quảng. Cũng bởi những nét đẹp say lòng của phố cổ đã khiến Hội An trở thành "Thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019" do tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel & Leisure bình chọn; "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019" do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards trao tặng.
Bên cạnh giải thưởng cho Hội An, World Travel Awards còn bình chọn Việt Nam là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” 2 năm liên tiếp 2018 - 2019; "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019", "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019".
Nhìn rộng ra khu vực, những quốc gia được xếp đầu bảng về du lịch như Thái Lan, Indonesia hay gần gũi hơn như Campuchia đều thành công trong cách tạo dựng sản phẩm du lịch mà gốc rễ từ văn hoá mà ra. Điển hình là Indonesia, ngành du lịch nước này không chỉ hút khách bằng việc tạo dựng những chuỗi nghỉ dưỡng sang trọng ở đảo Bali, mà còn mang lại cho du khách nhiều cơ hội khám phá văn hoá đặc sắc của đất nước vạn đảo. Đó là ngôi làng Ubud xinh đẹp hiền hòa, ẩn chứa những giá trị nghệ thuật truyền thống đặc sắc, những cánh đồng lúa bạt ngàn, ngút mắt, hay những ngôi đền cổ xưa giữa biển mang trong mình nghìn năm lịch sử thấm đẫm truyền thuyết, giá trị văn hoá vật thể ở kiến trúc, mỹ thuật. Trong 9 tháng đầu 2019, lượng khách du lịch quốc tế tới Indonesia đạt 12,27 triệu lượt, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 với doanh thu hàng tỷ đô la và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong năm nay.
Rõ ràng, văn hoá xét đến cùng không còn là những giá trị khó nắm bắt, nó hiện hữu trong các sản phẩm du lịch, vừa tạo sự khác biệt, vừa mang lại sự phát triển bền vững cho điểm đến.
Đưa văn hóa thành “đặc sản du lịch”
Không phải đến giờ du lịch Việt Nam mới nhận ra rằng mình có thừa sự hấp dẫn về văn hóa. Nhưng làm sao để văn hóa ấy trở thành đặc sản, buộc khách phải rút ví để trải nghiệm, thì có lẽ, chưa có nhiều địa điểm làm được điều đó.
“Gần đây, có một số điểm đến làm du lịch văn hóa rất tốt, như Sun World Fansipan Legend chẳng hạn. Họ đưa vào đó những giá trị văn hóa truyền thống, để du khách được chiêm ngưỡng cuộc sống của người bản địa, cảm nhận được chất địa phương của điểm đến. Làm được như thế, du khách, đặc biệt là khách quốc tế, không tiếc tiền bỏ ra để trải nghiệm, bởi họ thu lại được nhiều điều thú vị và giá trị sau chuyến đi”, lãnh đạo một công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ.
Chất Tây Bắc, văn hóa vùng cao tràn ngập không gian Sun World Fansipan Legend
Có đến Sun World Fansipan Legend mới thấy, dù là một khu du lịch hiện đại nhưng chất Tây Bắc, văn hóa vùng cao vẫn chảy tràn, thấm đẫm trong từng món ăn, từng con người, từng hoạt động. Mỗi sự kiện, lễ hội được tổ chức thường xuyên ở khu du lịch trên đỉnh thiêng Tây Bắc này đều lấy cốt lõi văn hóa Tây Bắc làm sợi chỉ xuyên suốt.
Bởi thế, đến nơi đây mùa đông hay mùa hạ, du khách cũng sẽ gặp bà con người H’Mông quần tụ bày bán đặc sản trong khu chợ Tây Bắc ngay lối vào, được thấy trai bản thổi khèn, gái bản làm duyên trong những điệu múa xòe; sẽ không thể cưỡng nổi sức hấp dẫn của thịt lợn bản nướng trên than hồng ăn cùng cơm lam thơm nức, thắng cố, lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc… Tây Bắc có gì, Sun World Fansipan Legend có thứ đó. Một ngày ở Sun World Fansipan Legend đủ để du khách hiểu văn hóa Tây Bắc sống động, đa sắc như thế nào.
Rồi hàng loạt lễ hội suốt bốn mùa, từ Lễ hội Khèn hoa và không gian văn hóa Tây Bắc khi mùa xuân; Lễ hội Hoa Đỗ Quyên, Lễ hội Ẩm thực Tây Bắc khi mùa hạ; đến Lễ hội mùa lúa chín lúc cả thung lũng Mường Hoa vàng rực khi thu về, Lễ hội mùa đông ấn tượng…; hay gần đây nhất là Lễ hội Trên mây tái hiện đám cưới người Dao độc đáo, Lễ hội Vó ngựa trên mây tái hiện ngày hội đua ngựa sôi động… càng cho thấy khu du lịch này chẳng bao giờ thôi hấp dẫn du khách. Vẫn là Tây Bắc, nhưng ở mỗi lễ hội, chất văn hóa vùng cao ấy lại được làm mới, được bổ sung, để du khách dẫu đến nhiều lần vẫn thấy mình đi mãi chưa hết xứ non cao này.
Hàng loạt lễ hội đậm chất Tây Bắc được tổ chức thường xuyên tại Sun World Fansipan Legend (Ảnh: Vũ hội Trên mây)
Nhưng để giữ được cái hồn Tây Bắc, để người dân vùng cao hiểu và gắn bó với Sun World Fansipan Legend, quyết tâm làm du lịch chuyên nghiệp, đưa văn hóa vùng cao trở thành đặc sản hút khách, nói như ông Nguyễn Xuân Chiến, Giám đốc khu du lịch này, thì: “Khó lắm”. “Chúng tôi phải xuống bản, vận động bà con mang hàng vào chợ Tây Bắc trong khu du lịch bán, mời họ tới biểu diễn. Các quầy hàng được miễn phí, bà con không phải trả gì, biểu diễn văn nghệ thì có thù lao. Nhưng có khi hôm trước đến, hôm sau họ đi đâu mất. Để duy trì được một “cộng đồng người H’Mông” ở khu du lịch như bây giờ, thật chẳng dễ gì. Nhưng giờ, bà con yêu Sun World Fansipan Legend này rồi”, ông Chiến kể.
Có những thứ tưởng chẳng ai thích, khi được nâng niu, được trân trọng, lại trở thành “đặc sản”. Làm du lịch hay là ở chỗ có những người làm có tâm, có sự nhìn xa trông rộng để chẳng những người địa phương cũng được sống ổn nhờ chính nét văn hóa của mình mà du khách thì có thêm trải nghiệm thú vị. Như vậy, kể cũng đáng ghi nhận công sức của những khu du lịch như Sun World Fansipan Legend lắm chứ.