Việc cấp phép và quản lý việc khai thác cát, sỏi trên sông Lô khiến nhiều phần diện tích đất nông nghiệp của nhân dân bị cuốn trôi do sạt lở. Tuy nhiên, trong việc này Sở TN&MT Vĩnh Phúc có nhiều dấu hiệu thoái thác trách nhiệm, báo cáo thiếu trung thực.
“Loạn” văn bản chỉ đạo
Như Báo Công lý đã phản ánh về tình trạng cấp phép tràn lan trên dòng sông Lô gây sạt lở nghiêm trọng tại xã Đôn Nhân. Ngay sau khi có thông tin sạt lở, Sở TN&MT Vĩnh Phúc có Báo cáo số 170/STNMT-KS ngày 05/05/2017 về tình hình quản lý và khai thác cát, sỏi trên Sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo này, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Sở TN&MT Vĩnh Phúc có 15 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các DN được khai thác cát, sỏi thực hiện theo đúng nội dung được cấp phép cũng như báo cáo việc hoạt động khai thác trên tuyến Sông Lô.
Như vậy, trung bình khoảng 1 tháng, Sở TN&MT Vĩnh Phúc lại ra một văn bản chỉ đạo cho các DN phải tuân thủ theo những gì giấy phép đã cấp. Tuy nhiên, Sở TN&MT cứ chỉ đạo, còn DN tiếp tục khai thác và dòng Sông Lô vẫn sạt lở.
Báo cáo số 170/STNMT-KS của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc
Theo Báo cáo số 170/STNMT-KS của Sở TN&MT chỉ rõ “Cục Thuế tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính các doanh nghiệp khai thác cát sỏi và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất vói cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định. Kết quả báo thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/05/2017".
Tuy nhiên, khi PV liên hệ với Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc về báo cáo đề xuất này, đại diện Cục Thuế cho biết: "Ở nơi gửi không có tên Cục Thuế, chúng tôi không nhận được nên không có báo cáo rà soát gửi UBND tỉnh".
Thắc mắc về vấn đề này với Sở TN&MT, ông Nguyễn Công Võ, Chánh Văn phòng Sở cho biết: "Sở TN&MT gửi báo cáo này lên UBND tỉnh, trên cơ sở đó, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Cục Thuế làm báo cáo rà soát đó”. Nếu đúng như ông Võ trao đổi, sau khi nhận được báo cáo của Sở TN&MT, UBND tỉnh phải ra hàng loạt các văn bản chỉ đạo theo như nội dung Sở này báo cáo.
Vậy thực tế trong báo cáo đã chỉ ra khá nhiều quyền và trách nhiệm của đơn vị. Tuy nhiên, các đơn vị này lại không nhận được báo cáo trên, phải chăng Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện báo cáo cho có và chỉ đạo cho xong việc?
Đặc biệt, vấn đề sạt lở này đã được UBND xã Phương Khoan báo cáo UBND huyện Sông Lô bằng Văn bản số 07/CV-UBND ngày 18/03/2013 cũng như nhiều cơ quan báo chí phản ánh và đã được các cử tri nêu ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Trần Mạnh Hùng, Chánh Thanh tra Sở TN&MT lý giải: "UBND huyện Sông Lô là nơi nhận văn bản này, do vậy Sở TN&MT không biết và trách nhiệm xử lý văn bản này thuộc về UBND huyện Sông Lô".
Về việc khi UBND các xã đã có văn bản cảnh báo về việc sạt lở do các hoạt động khai thác cát sỏi trên dòng sông nhưng hiện tượng sạt lở vẫn xảy ra trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời PV nhận được là sự im lặng từ đại diện của Sở TN&MT Vĩnh Phúc.
Tới đây, bạn đọc đã có thể đánh giá được phần nào các văn bản chỉ đạo của Sở TN&MT Vĩnh Phúc. Đặc biệt, “sức nặng” văn bản chỉ đạo hiệu quả đâu chưa thấy, còn thực tế đôi bờ sông Lô ngày càng sạt lở nghiêm trọng hơn.
Báo cáo gian dối
Xác định nguyên nhân sạt lở tại xã Đôn Nhân trong Báo cáo số 170/STNMT-KS của Sở TN&MT Vĩnh Phúc nêu: "Thời gian cuối tháng 2 đầu tháng 3/2017 đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất bờ sông tại xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô với diện tích 6.000m2 và việc này UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với các ban, ngành liên quan, bước đầu xác định hiện tượng sạt lở đất tại khu bãi bồi xã Đông Nhân đã diễn ra trong nhiều năm. Đây là khu vực bờ sông có kết cấu là nền đất yếu, bở, rời, bề mặt tầng phủ đất mỏng".
Tuy nhiên, trả lởi câu hỏi của PV: Sở TN&MT Vĩnh Phúc căn cứ vào những tính chất pháp lý nào để báo cáo UBND tỉnh rằng nguyên nhân sạt lở là do yếu tố tự nhiên?
Ông Nguyễn Vĩnh Hải, Phó Trưởng phòng Khoáng sản cho rằng: "Sở dựa trên các báo cáo, nghiên cứu trước đây trong công tác quản lý của Sở nên có kết luận này".
Trụ sở của Sở TN&MT Vĩnh Phúc
Về việc trước đây đã có những báo cáo về địa chất như vậy, nhưng Sở TN&MT Vĩnh Phúc lại trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp hàng loạt giấy phép khai thác cát, ông Nguyễn Công Võ, Chánh Văn phòng Sở TN&MT cho biết: "Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và trao đổi với PV sau".
Có hay không việc sạt lở bờ sông Lô xuất phát từ việc khai thác cát “tràn lan”, và tại sao trong Báo cáo số 170/STNMT-KS gửi UBND tỉnh về việc xác định nguyên nhân gây sạt lở không hề đề cập tới nguyên nhân này, đại diện Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho rằng: "Để xác định nguyên nhân sạt lở có phải do khai thác khoáng sản hay không, cần lập đoàn chuyên môn kiểm tra, đánh giá và cần có thời gian".
Điều đáng nói, khi xác định việc sạt lở có nguyên nhân khách quan không thuộc trách nhiệm của mình, Sở TN&MT không ngần ngại nói rằng “do yếu tố tự nhiên gây ra”. Nhưng khi cần xác định nguyên nhân có yếu tố do ngành mình quản lý, Sở lại cần có thời gian để lập đoàn chuyên môn khảo sát đánh giá và đoàn chuyên môn này đã được lập hay chưa vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nguyên nhân sạt lở thực sự do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao trong Báo cáo số 170/STNMT-KS không hề được đề cập tới? Đề nghị, Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm này thuộc tập thể hay cá nhân, đồng thời có câu trả lời thỏa đáng cho các cử tri, nhân dân Vĩnh Phúc.
*Còn tiếp