Chính trị

Khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Duy Tuấn 19/08/2024 09:38

Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 36 nhằm cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng về xây dựng luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Giám sát, đánh giá toàn diện chuyên đề chất vấn

Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 19/8 - 22/8, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong 4 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

tv6.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Đáng chú ý, về hoạt động giám sát, phiên họp 36 sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong 1,5 ngày (truyền hình, phát thanh trực tiếp). Phiên chất vấn sẽ diễn ra cả ngày 21 và sáng 22/8.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhằm đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện Nghị quyết của Ủy viên Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm thứ nhất về kinh tế - xã hội gồm 3 lĩnh vực: Công thương, văn hóa - thể thao - du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn; nhóm thứ hai về công tác nội chính gồm 6 lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, Tòa án, Viện kiểm sát.

tv4.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

“Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chuyên đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 bảo đảm không trùng lặp với những nội dung đã được chất vấn trước đây”-Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

Chuẩn bị kỹ hồ sơ các dự án Luật, đúng quy trình, quy định

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 4 dự luật gồm: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Cho biết khối lượng các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám và thứ chín là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, ngay từ thời điểm này các cơ quan hữu quan cần tính toán bổ sung các dự án Luật bảo đảm phù hợp.

tv3.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

“Chuẩn bị kỹ hồ sơ các dự án Luật, đúng quy trình, quy định; những vấn đề nào “đã chín, đã rõ” thì đưa vào chương trình, “chưa chín, chưa rõ”, chưa được thực tế chứng minh thì phải tiếp tục nghiên cứu, không vì thời gian gấp mà bỏ qua các quy trình xây dựng pháp luật theo quy định, bảo đảm nâng cao chất lượng các dự án Luật”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023".

Đồng thời sẽ cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024, cho ý kiến về việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế; xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Cần Thơ, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Phú Yên.

tv2.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023-2025.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 để đầu năm 2025 tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cũng như bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031.

Ngoài ra, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội