Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật

Ngọc Mai| 19/09/2022 10:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên họp kéo dài trong 5,5 ngày sẽ xem xét 17 nội dung, gồm 7 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết, 4 chuyên đề giám sát và 1 nội dung về vấn đề quan trọng để trình Quốc hội.

khai-mac-phien-hop-chuyen-de-phap-luat.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

Sáng nay (19/9), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đây là dự án Luật quan trọng, được đánh giá có tính chất “xương sống” cho ngành y tế, kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến lĩnh vực này. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Để chuẩn bị cho thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế cũng như các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm và mới đây tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 cũng đã thảo luận chuyên đề về việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về đất đai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu với các dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Riêng với dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội không.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vùng Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Chính trị đã có Kết luận 67 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu để thành phố Buôn Ma Thuật trở thành động lực phát triển của tỉnh Đắk Lắk và cho cả vùng Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “đây là lần đầu tiên chúng ta chuẩn bị một dự thảo Nghị quyết trình ra Quốc hội xem xét thí điểm cơ chế đặc thù nhưng cho một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh nên có cái khó, có cái dễ riêng”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở các chính sách, cơ chế đã thí điểm cho các địa phương khác và các đề xuất cụ thể cho TP. Buôn Ma Thuật để cho ý kiến cụ thể về nội dung này trình Quốc hội.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét về các chính sách và quyết định việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2022. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận thì sẽ xem xét luôn nội dung của dự thảo Nghị quyết này để tiến tới trình Quốc hội.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; xem xét dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài các công tác về lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” và “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, 4 cuộc giám sát này đều phải được thông qua dưới dạng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch chi tiết và đề cương.

Với vấn đề mới phát sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT. Đây là nội dung liên quan đến kiến nghị của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí.

Với thời gian làm việc 5,5 ngày (từ ngày 19.9 đến hết ngày 24.9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định 17 nội dung rất lớn, quan trọng, trong đó có những việc mới, khó. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu thẳng thắn làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.

Cùng với đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện để đóng góp cho những vấn đề mới, khó, những vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp và còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ và các cơ quan chủ trì thẩm tra cung cấp tài liệu sớm nhất để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có điều kiện nghiên cứu, phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật