Thời tiết nắng nóng khiến một số khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội bị thiếu nước sạch. Để bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho người dân, đơn vị chức năng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh
Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao nhưng nguồn cấp không đáp ứng đủ có thể khiến hàng loạt quận, huyện của Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Quốc Oai... thiếu nước sạch cục bộ.
Tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, trong mấy ngày nắng nóng vừa qua đã có nhiều hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Do đó, một số hộ dân phải mở lại giếng khoan cũ đã bỏ đi trước đây, rồi trang bị hệ thống lọc tạm để có nước sinh hoạt. Một số gia đình phải đi xin nước của hộ bên cạnh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Ngoài ra, tại một số khu vực nông thôn, việc triển khai các dự án nước sạch còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, trong khi người dân đấu nối, sử dụng ít nên khó cân đối thu chi với các nhà đầu tư.
Tối 1/6, do nước sạch bị cắt bất ngờ, không kịp tích trữ nên hơn 750 hộ dân ở Tổ dân phố số 3 (khu đô thị Thanh Hà) hối hả đi mua, xách nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt ngay trong đêm.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 cho biết, việc cắt nước không được Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà thông báo, khiến hơn 750 hộ dân (khoảng 3.000 người) trên địa bàn "trở tay không kịp".
Trong khi đó, ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, cho biết, Khu đô thị Thanh Hà có khoảng 16.000 cư dân đang sinh sống ở 23 tòa nhà. Từ năm 2021 đến nay, dịch vụ nước sạch trong khu đô thị do Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà cung cấp.
"Ở khu đô thị Thanh Hà, xã chỉ quản lý về địa giới hành chính, con người, còn tất cả dịch vụ thì do bên chủ đầu tư, doanh nghiệp cung cấp. Trước tình hình thiếu nước sạch sinh hoạt, tôi đã có ý kiến với Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà đề nghị sớm đưa ra giải pháp để cư dân có đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt", ông Phương nói.
Theo ông Dương Đức Trình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà, việc cắt nước ở khu đô thị Thanh Hà là tình huống "bất đắc dĩ", vì nguồn cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống bị thiếu hụt.
Còn theo Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng mạnh, trong khi nguồn cung từ Nhà máy Nước sạch sông Đà không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân ở khu vực cuối nguồn.
Những ngày nắng nóng gay gắt, Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội cần 28.000m3 nước một ngày đêm, nhưng chỉ nhận được 22.000m3. Đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm tăng áp Sơn Đồng.
Bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp
Trong dịp hè 2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã dự báo, lên phương án phân bổ, điều tiết nguồn nước, bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu sử dụng, cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực. Đồng thời, Sở đã đề nghị các đơn vị cấp nước thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ đường ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có, nhằm cấp nước ổn định trong thời gian nhanh nhất...
Trường hợp khi có sự cố vỡ đường ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy Nước sạch sông Đà, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà sửa chữa không kéo dài quá 10 giờ/điểm vỡ.
Các đơn vị cung cấp nước sạch cũng xây dựng phương án khai thác nguồn cấp dự phòng, phối hợp điều tiết bổ sung nguồn cấp để cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã xây dựng các giải pháp ứng phó với những tình huống cụ thể gây gián đoạn khả năng cấp nước, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch bảo đảm duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.370.000 – 1.530.000m3/ngày đêm. Đồng thời bổ sung các giải pháp kỹ thuật cần thiết và vận hành nhà máy với công suất ngày cao nhất theo thiết kế, vận hành điều tiết hệ thống mạng lưới đáp ứng nguồn cung cho các khách hàng trong phạm vi dự án vào thời gian cao điểm.
Trong trường hợp có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà, Công ty Viwasupco sẽ duy trì vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết đảm bảo tuyến ống dẫn truyền số 1, sẵn sàng đấu nối bổ sung sử dụng đoạn tuyến số 2 đã hoàn thành. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, vật liệu, ống dự phòng, phương tiện, thiết bị và nhân lực thi công thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ ống để cung cấp nước cho người dân một cách nhanh nhất.
Trong thời gian này, Công ty Cổ phần Viwaco sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà điều tiết, sử dụng nguồn nước sạch 30.000m3 từ bể chứa trạm điều tiết Tây Mỗ để cấp nước cho các khu vực.
Bên cạnh đó, phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống điều tiết, sử dụng tối đa nguồn nước sạch sông Đuống cho đơn vị tại các điểm kết nối hỗ trợ cấp nước giữa các đơn vị nhằm đảm bảo việc cấp nước.
Tương tự, khi Nhà máy Nước mặt sông Đuống xảy ra sự cố, hoặc tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống sẽ khẩn trương tổ chức phương án sửa chữa khắc phục sự cố, đặc biệt là các đường ống qua sông để bảo đảm kế hoạch cấp nước an toàn; xây dựng phương án cấp nước, giảm thiểu ảnh hưởng do thiếu nguồn cấp từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Đồng thời, đưa vào sử dụng vận hành đoạn tuyến số 2 đã hoàn thành.
Trong thời điểm này, Công ty Nước sạch Hà Nội sẽ triển khai phương án khai thác nguồn cấp nước dự phòng, phát huy tối đa công suất thiết kế để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà sẽ tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội để bù đắp nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra.
Để thu hút nhà đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch, các cơ quan chức năng cũng đưa ra những chính sách như ưu đãi về đất như miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước…
Với những giải pháp, kế hoạch tổng thể mà các đơn vị chức năng thực hiện, nguy cơ thiếu nước sạch vào mùa cao điểm tại Hà Nội sẽ được giải quyết, nhưng để hạn chế nhất những ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch, tránh lãng phí.