(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời điểm căng thẳng của những tháng cuối năm, đa số doanh nghiệp đều nỗ lực, căng sức để hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Xoay chuyển tình thế trước “khủng hoảng lao động”
Trước đây, việc người lao động ồ ạt đổ xô về quê tránh dịch đã tạo ra những khó khăn cho thị trường lao động, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất rơi vào cảnh “khủng hoảng lao động”. Không ít doanh nghiệp đua nhau đưa ra mức hỗ trợ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút lao động khi tái sản xuất sau giãn cách. Thế nhưng sau một thời gian hoạt động trở lại, khó khăn này của các doanh nghiệp đã dần được tháo gỡ, từng bước đi vào ổn định sản xuất.
Bản thân Công ty cổ phần Nội thất TOP là một trong những doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu nhân công nhưng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giải quyết các đơn hàng cũng những hợp đồng bị dồn ứ trong khoảng thời gian giãn cách, công ty đã phải chia nhỏ các phần việc; đồng thời, tổ chức thuê ngoài một số dịch vụ để đáp ứng yêu cầu về tiến độ và thời gian theo cam kết với khách hàng.
Đối với thương hiệu cà phê nông sản Meet More, đơn vị đã duy trì lượng lao động tuy ít nhưng một người làm được nhiều việc, nhiều khâu để bù vào chi phí nhân công. Như vậy, dù giá cả nguyên liệu hiện có tăng cao, nhưng Meet More cố gắng giữ giá thành phẩm như cũ, ít nhất là từ đây đến cuối năm.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Công ty CP May Phương Nam đang đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hạn chế phụ thuộc vào nguồn lao động số lượng lớn. Do đó, DN cần lao động được đào tạo bài bản, nắm vững kiến thức chuyên môn và giỏi kỹ năng để vận hành máy móc tốt hơn, hiệu suất cao hơn.
Lường trước được vấn đề khan hiếm lao động hậu giãn cách, ngay khi dịch còn phức tạp, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc giữ chân người lao động giỏi, tay nghề cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao sản xuất, phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, khi bị giãn cách, phong tỏa, công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ. Có những thời điểm DN vô cùng khó khăn, nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhờ vậy, công ty vẫn duy trì được hoạt động.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư vào kỹ thuật công nghệ nên dù thiếu lao động trầm trọng nhưng họ vẫn xoay chuyển được tình thế, vươn lên khó khăn.
Giải pháp phục hồi thị trường lao động
Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ. Hiện nay, nhiều địa phương thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh nhưng một số nơi khác lại đang gia tăng áp lực về giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động trở về địa phương tránh dịch bệnh.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát COVID-19…, song song với đó là đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Lê Văn Thanh, Thư trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ trực tiếp người lao động (các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm COVID-19…); hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động; phát triển bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Các chuyên gia nhận định việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cũng cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ sở giáo dục và hướng nghiệp cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, tái đào tạo cho người lao động được thực hành, thực tập. Qua đào tạo nghề nghiệp, sẽ góp phần khôi phục thị trường lao động và giải quyết sớm thách thức về con người, về nguồn nhân lực hiện nay.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)