Nậm Tông, một thôn nhỏ đẹp như tranh vẽ nằm ngay sườn núi, phía dưới là một con suối nhỏ. Bao đời nay, cái xóm nhỏ hiền hoà này bám rừng bám núi mưu sinh. Rừng là nguồn sống, núi là điểm tựa cho bà con nơi đây cuộc sống bình yên. Không ai có thể ngờ có một ngày, núi trở mình cuốn phăng đi tất cả. 15 nóc nhà bỗng chốc thành không.
Chúng tôi lên đến xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chiều 20/9. Vẫn con đường đặc trưng vùng núi Tây Bắc, một bên là vách núi, một bên là vực. Có những đoạn cảnh đẹp đến nao lòng với những rặng tre hai bên xanh mát, uốn rủ vào nhau như một vòm xanh. Con đường sau sạt lở đã được khôi phục phần nào đủ để cho 1 làn xe di chuyển, mặt đường vốn chỉ rải đá cấp phối sau cơn bão lũ càng gồ ghề mấp mô, xe cứ nẩy tưng từng hồi. Chúng tôi nói đùa với nhau, chị em mình được đấm bóp miễn phí, một công đôi việc.
Tan hoang. Là những gì đập vào mắt chúng tôi.
Không còn chút dấu vết của bản làng. Cả một “suối” đất đá chảy dài từ trên núi kéo xuống như mạch nham thạch, lấp gần hết dòng suối. Những mảng rừng quế loang lổ. Mạch suối từ trên nguồn vẫn len lỏi chảy xuống khiến phần đất bên dưới nhão nhoẹt. Ba cái máy xúc, hàng trăm con người cả bộ đội lẫn công an cùng các lực lượng chức năng và cả chó nghiệp vụ đang căng mình chạy đua với thời gian, đào bới bùn đất để tìm các nạn nhân. 18 nạn nhân chết và mất tích, giờ vẫn còn 4 người chưa tìm thấy. 11 người bị thương đang phải điều trị. 56 con người của 15 hộ gia đình đang phải sống trong lán tạm.
Nữ Phó bí thư thường trực xã Nậm Lúc - Trương Thị Hào, một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ sạt lở ở Nậm Tông, khuôn mặt hốc hác, da sạm đen sau hơn 10 ngày bám hiện trường kể với chúng tôi: “Khi Bí thư thôn chạy bộ vượt đường sạt lở xuống được xã để báo tin, chỉ kịp nói trong tiếng khóc “sạt núi, cả xóm Bản Cái chết hết rồi”, chúng tôi chỉ kịp vơ vội ít lương khô, thuốc men rồi lên đường. Nhóm đầu tiên có tôi, một đồng chí Phó chủ tịch xã, công an, y tế. Xe chỉ lên được một đoạn còn lại phải chạy bộ, vừa đi vừa cào đất mở đường, hơn 3 tiếng mới tới được hiện trường. Lúc đó trời đã tối. Tất cả ngổn ngang. Không còn bóng dáng căn nhà nào. Người chết, người bị thương la liệt. Tiếng khóc, tiếng kêu cứu. Chúng tôi vội tập trung cấp cứu người bị thương và hướng dẫn dân lên chỗ khoảng đất cao phía trên để tạm lánh. Mưa vẫn rơi. Hôm đó là ngày 09/9, rất may vụ sạt lở xảy ra ban ngày nên nhiều người dân còn kịp chạy thoát, nếu ban đêm thì…”.
Sáng hôm sau, lục lượng bộ đội, công an, y tế hành quân băng rừng tiếp cận hiện trường, mở đường đưa các nạn nhân bị thương đi bệnh viện và triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Nhà bạt được dựng ngay tại nơi người dân đang trú tránh. Dân và các lực lượng cùng ở chung một khu. Tổ hậu cần được thành lập, lo cơm nước cho dân và cho lực lượng tìm kiếm. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được cung cấp hay được các đoàn cứu trợ tập trung về một mối để lo cho dân, bởi giờ này, chẳng gia đình nào còn gì để có thể lo bữa ăn hàng ngày. Nước vẫn tuôn xối xả từ trên đầu nguồn. Đất vẫn sụt lún. Có đêm khi mọi người đang ngủ, nghe tiếng đổ ầm ầm, chạy ra đã thấy lại một mảng đất đá vừa đổ xuống.
Dù các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường từ rất sớm nhưng việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích lại không thể triển khai liền. Đất đá hoà với nước nguồn tạo thành dòng suối bùn nhão nhoẹt, bước chân xuống là lún. Không ai dám chắc độ sâu của dòng suối bùn là bao nhiêu nên không thể mạo hiểm. Chỉ đến khi đường tạm thông, máy móc được đưa vào, mưa ngưng, trời hửng nắng thì công việc cứu nạn mới có thể gấp rút triển khai. 11 ngày kể từ ngày lở núi, 14 nạn nhân đã được tìm thấy, nhiều người trong số họ trong một gia đình. 4 nạn nhân vẫn còn nằm đâu đó dưới đống bùn đất đổ nát.
Anh Lý Seo Dỳ nghẹn ngào kể lại: “5 đời nhà tôi sống ở bản này, chưa khi nào xảy ra lở núi như thế. Mưa như đổ nước từ trên trời xuống suốt 4 ngày, không đi làm được nên vợ chồng tôi ở nhà. Lúc đó khoảng 3g chiều, tôi nghe tiếng ầm ầm từ trên núi, ngó ra thấy đất đá đang rùng rùng trượt xuống, chỉ kịp hô to để kêu vợ con và báo động mọi người rồi vùng chạy. Chạy được khoảng 12 mét lên cao, quay nhìn lại tôi đã không thấy nhà mình đâu nữa. Nó chạy nhanh lắm, chưa đầy 2 phút là cả cái xóm tôi không còn nóc nhà nào”. Lý Seo Dỳ chạy thoát. Hai đứa con đi học bán trú không ở nhà nên cũng thoát. Nhưng vợ, 1 đứa con khác của anh, em trai và em dâu thì nằm lại đó. Đến giờ này, vợ con anh vẫn chưa tìm thấy. Mỗi lần nghe con hỏi, tìm thấy mẹ chưa cha, anh lại phải nén đau mà trấn an con “nhất định cha sẽ tìm thấy mẹ”. Đó cũng là hy vọng mà anh đang dựa vào, để còn vững tinh thần. Người đàn ông đó giờ đây là gà trống nuôi con, không chỉ 2 đứa con của mình, còn cả 3 đứa cháu con của em trai.
11 ngày đợi mong, 4 người con bản Nậm Tông vẫn nằm đâu đó dưới bùn đất. Các lực lượng chức năng vẫn hối hả. Những ánh mắt ngóng trông người thân vẫn khắc khoải. Lại một ngày buồn trôi qua khi không có thêm nạn nhân nào được tìm thấy. Trời sầm sập tối, những người lính trẻ, cả bộ đội lẫn công an kéo quân về lán, dừng lại ngay vách núi nơi có dòng nước mát đang chảy từ trên đỉnh xuống để tắm gội. Máy cũng được kéo lên, mai sẽ lại đưa xuống. Không thể để máy ở dưới vì núi vẫn có thể lở thêm bất cứ lúc nào. Trên sườn núi, trên đỉnh núi và cả dưới này, những vệt nứt vẫn kéo dài. Nguy cơ sạt lở vẫn cao.
Cùng lúc đó, khu tái định cư cho người dân xóm Bản Mới, thôn Nậm Tông cũng gấp rút được chuẩn bị. Khu tái định cư nằm cách xóm cũ khoảng 2km, là một khu đất bằng phẳng, nằm trên cao và vẫn được che chở bởi những rặng núi. Những phương án ổn định cuộc sống cho dân cũng được chính quyền địa phương, từ xã, huyện tới tỉnh tính toán sắp xếp. Và như lời Bí thư huyện uỷ huyện Bắc Hà Nguyễn Duy Hoà: “Sau cơn lũ dữ, cuộc sống của người dân sẽ được tái thiết, hồi sinh. Các cấp chính quyền Bắc Hà sẽ nỗ lực cố gắng để không để bất cứ người dân nào của mình bị bỏ lại phía sau”.
Đau thương, mất mát là những gì mà mà chúng tôi chứng kiến suốt mấy ngày qua ở Bắc Hà. Không chỉ Làng Nủ, Kho Vàng hay Nậm Tông, ở bất cứ cung đường nào chúng tôi qua, bản làng nào chúng tôi tới, đều cũng có những mất mát đau thương. Của những hộ dân mất nhà, mất người thân, mất cây trồng, vật nuôi… Cuộc sống người dân vùng cao vốn vất vả khó khăn, sau cơn bão lũ lại chồng chất khó khăn. Nhưng cũng ở đó, trong ánh mắt người dân, trong sự vững vàng kiên định của người đứng đầu, trong lăn sả hy sinh của cán bộ cơ sở, chúng tôi nhìn thấy niềm tin và hy vọng. Cho một tương lai bình yên, ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.