Xã hội

Kết nối phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc với TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Liên 18/09/2023 - 06:54

Trong những ngày lễ hội rộn ràng mùa vàng Hoàng Su Phì, đại biểu các tỉnh miền núi phía Bắc trở lại Hà Giang trong buổi trao đổi, chia sẻ, liên kết đẩy mạnh phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh

Tây Bắc vốn có những đặc trưng hấp dẫn riêng, tạo nhiều niềm đam mê cho du khách với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa tộc người đặc sắc và lịch sử hào hùng. Sự hoang sơ của thiên nhiên thuần khiết với cảnh quan núi non tuyệt đẹp và hệ sinh thái phong phú; cùng 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với những nét văn hóa tộc người đa dạng và đặc sắc, thú vị và lôi cuốn; nhiều di tích cách mạng, những chiến trường xưa, tất cả tạo nên sức cuốn hút lớn. Việc khai thác những tiềm năng, tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù sẽ làm nên thương hiệu du lịch Tây Bắc, tạo hình ảnh mới cho cả vùng Tây Bắc cũng như cho riêng mỗi tỉnh.

mua-vang(1).jpg
Đặc sắc tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì
mua-vang1.jpg
Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì năm 2023

Với mục tiêu “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023, bằng sự đống góp, chia sẻ của đại diện lãnh đạo UBND, Sở VHTT và DL của 8 tỉnh Tây Bắc gồm Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.

Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp tốt cùng các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành tổ chức triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tạo hiệu ứng thu hút khách tham quan đến với khu vực.

Điểm nhấn tại các tỉnh trong khu vực có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang, trong đó 3 địa danh là huyện Mù Căng Chải có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì gần 765 ha và Sa Pa gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tích cực tham gia ý kiến, đề xuất các giải pháp để phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 14/25 hoạt động, thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng. Đến nay, các tỉnh, thành phố Nhóm hợp tác đã từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh như: Tour Bản Hùng ca Tây Bắc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang. Tour Hương sắc vùng cao kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc Việt Nam rất đẹp, độc đáo, kỳ vĩ nó được kết tinh từ văn hoá, lao động của người vùng cao. Bên cạnh đó, các chuyên gia tập trung phân tích, cùng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang như: Xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước...

da-dl-thuy-si-vn.jpg
Ông Kenneth Wood, Giám đốc Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam
lien-ket-san-pham-tay-bac-voi-tphcm.jpg
Công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023 gồm: Về miền di sản ruộng bậc thang câu chuyện “Người dệt thổ cẩm giữa trời Tây Bắc’ và Ngược dòng sông Đà về miền ký ức câu chuyện “Người giữ hồn Tây Bắc”

Du lịch là ngành kinh tế đa ngành, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Trong thời toàn cầu hóa, sự phát triển của du lịch không chỉ, không nên sẽ không thể nằm trong một giới hạn hành chính nhỏ hẹp (huyện, tỉnh) mà sẽ phải vươn ra và vươn lên ở mức vùng - miền thậm chí xuyên quốc gia. Điều này càng đúng với kinh tế du lịch Tây Bắc.

Để du lịch khu vực này phát triển thành mũi nhọn kinh tế, trong bối cảnh mới, cần bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa và xây dựng mối liên kết vùng. Liên kết phát triển du lịch vòng cung Tây Bắc, cần khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và hội lễ là một trong những xu hướng nổi bật trong phát triển du lịch hiện nay. Liên kết giữa các điểm đến, các địa phương trong khu vực sẽ tạo ra được những tour, tuyến du lịch độc đáo trên cơ sở khai thác những điểm đến nổi bật và khác biệt của từng địa phương. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, ngành du lịch các tỉnh Tây Bắc còn cần phải liên kết với những địa phương khác có nhiều đầu mối tập trung về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... Một hướng khác cũng cần mở rộng là liên kết phát triển du lịch liên quốc gia, nhất là với các địa phương có cửa khẩu quốc tế (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên).
Từ góc nhìn liên kết vùng trong du lịch, cần nhấn mạnh việc còn phải có liên kết vùng trong việc bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch - cụ thể ở Tây Bắc là bảo vệ rừng và cảnh quan du lịch. Việc liên kết này phải dựa trên nguyên tắc nhấn mạnh phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong việc khai thác, kinh doanh du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc với TP. Hồ Chí Minh