Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 được kết nối với gần 800 điểm cầu Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, Tòa án Quân sự các cấp để Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án trên toàn quốc tham dự, theo dõi trực tiếp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định: Mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và những biến chuyển do tình hình thế giới… nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội; sự phối hợp của Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; cùng tinh thần nỗ lực trong công tác của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, TAND đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác đề ra; tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử các loại vụ án tiếp tục được nâng lên; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Sau khi điểm qua những dấu mốc quan trọng của hệ thống trong năm 2022, những vấn đề đặt ra trong năm 2023, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã bày tỏ mong nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp về công tác Tòa án của các đại biểu các bộ, ban ngành ngay tại Hội nghị và các diễn đàn khác; mong các đại biểu trong hệ thống Tòa án trong Hội nghị tích cực phát biểu ý kiến, góp phần vào thành công của Hội nghị.
* TAND TP Đà Nẵng
Tham dự hội nghị tại điểm cầu TAND TP Đà Nẵng có đồng chí Nguyễn Thị Cảnh - Chánh án TAND TP Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh án.
Đồng chí Nguyễn Thi Cảnh - Chánh án TAND TP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2022, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã chủ động đề ra các giải pháp, nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới. Tỷ lệ giải quyết các loại án đều đạt, vượt chỉ tiêu mà Quốc hội, TANDTC giao.
Nói riêng về công tác Hòa giải đối thoại tại Tòa án, đồng chí Nguyễn Thị Cảnh chia sẻ: TAND TP Đà Nẵng đã triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Chánh án TAND tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải đối thoại (HGĐT) tại Tòa án là hết sức cần thiết nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác HGĐT tại tòa án, vừa góp phần giảm áp lực công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính tại tòa án, vừa giảm số lượng vụ việc THADS. Các vụ việc HGĐT thành còn góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Giảm sức ép cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng luôn quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ Hòa giải viên được tham gia bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ. Các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại, nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Các đơn vị Tòa án hai cấp cũng đã chủ động bố trí phòng làm việc, phòng hòa giải cũng như các điều kiện thiết yếu để đảm bảo cho công tác hòa giải, đối thoại. Từ ngày 01/10/2021 - 30/9/2022, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã chuyển sang hòa giải, đối thoại 2.575 đơn khởi kiện, yêu cầu; đã giải quyết 2.372 đơn, trong đó hòa giải thành, đương sự rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu 1.561 đơn…
Năm 2023, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Chánh án TANDTC.
* TAND tỉnh Nghệ An
Đồng chí Trần Ngọc Sơn - Chánh án TAND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2022, TAND hai cấp Nghệ An thụ lý 12.397 vụ việc, đã giải quyết được 11.973 vụ việc (đạt tỷ lệ 96,5%; cao hơn năm trước 1,5%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 886 vụ; đã giải quyết tăng 1.017 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 01%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội và TANDTC đề ra.
Việc xét xử các vụ án bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, TAND hai cấp Nghệ An đã phối hợp với VKSND tổ chức 271 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, qua đó giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.
Song song với các nhiệm vụ khác, công tác xét xử trực tuyến đã được TAND hai cấp Nghệ An tập trung chú trọng, phát huy được hiệu quả tích cực trong thực tiễn.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tạo ra bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án trong đó có TAND hai cấp tỉnh Nghệ An, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.
Việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính đã góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần; hạn chế việc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện. Việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính đã nhận được phản hồi tích cực của những người tham gia tố tụng và đánh giá rất cao của cơ quan hành chính nhà nước.
* TAND tỉnh Hà Tĩnh
Liên quan đến công tác triển khai, thực hiện phiên tòa trực tuyến, Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Bùi Văn Lam cho biết, Toà án hai cấp đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội.
Tòa án tỉnh và 13 đơn vị Tòa án cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến 131 vụ án. Trong đó phiên tòa hình sự 129 vụ, điểm cầu tại Trại tạm giam, đặc biệt có 01 phiên tòa xét xử với điểm cầu thành phần từ thành phố Hồ Chí Minh; phiên tòa hành chính 2 vụ, điểm cầu thành phần tại UBND Nghi Xuân, UBND huyện Đức Thọ là người bị kiện.
Các phiên tòa đều đảm bảo điều kiện âm thanh, hình ảnh, không gian; Các thiết bị điện tử phù hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP. Bản án xét xử phiên tòa trực tuyến đến nay đều không có kháng cáo, khiếu nại sau khi Hội đồng xét xử tuyên án.
Mặc dù việc tổ chức phiên tòa trực tuyến gặp nhiều khó khăn về các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn thiết bị là đi mượn, thuê hoặc tận dụng các thiết bị họp trực tuyến hiện có… nhưng với quyết tâm cao, Tòa án nhân dân hai cấp Hà Tĩnh đã khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được thực thi trên thực tiễn, góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời.
Để góp phần nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu đề xuất một số giải pháp như: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công nghệ thông tin trong việc sử dụng, vận hành hệ thống trực tuyến.
Đặc biệt, giao cụ thể chỉ tiêu xét xử trực tuyến đối với Thẩm phán và đưa vào tiêu chí thi đua để bình xét hằng năm. Khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân tích cực trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và địa phương để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện phiên tòa trực tuyến...
* TAND tỉnh Bình Định
Trong năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Bình Định đã thụ lý 7.869 vụ án các loại; đã giải quyết, xét xử 6.854 vụ, đạt tỷ lệ 87%. So với năm trước, số lượng án thụ lý tăng 913 vụ, việc; giải quyết, xét xử tang 1.576 vụ, việc. Số bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan 37 vụ, chiếm tỷ lệ 0,26% (đáp ứng được yêu cầu của Quốc Hội đề ra là dưới 1,5%).
"Công tác tuyển chọn Hòa giải viên gặp rất nhiều khó khăn, vì theo quy định Hòa giải viên nếu không phải từng là Thẩm phán, Thanh tra viên, Thư ký viên cao cấp hay là Kiểm sát viên… thì không được bổ nhiệm. Ngay cả Thư ký lâu năm làm đến về hưu mà không qua lớp bồi dưỡng do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức cũng không được bổ nhiệm.
Hiện nay, TAND tỉnh Bình Định được phân 158 Hòa giải viên nhưng thực tế chỉ mới bổ nhiệm được 33 người nên khó đáp ứng được nhu cầu công việc. Vì vậy, TAND tỉnh Bình Định đề xuất việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải nên giao cho Tòa án cấp tỉnh thực hiện để chủ động hơn trong việc bổ sung nguồn nhân lực" Chánh án Lê Văn Thường chia sẻ.
* TAND tỉnh Gia Lai
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử nói riêng và hoạt động tư pháp nói chung đem lại nhiều lợi ích. Đây cũng là bước đi phù hợp trong việc xây dựng Tòa án điện tử và từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số quốc gia mà hiện nay chúng ta đang nỗ lực thực hiện.
Từ phiên tòa trực tuyến đầu tiên do TAND tỉnh xét xử vào ngày 20/7/2022 đến cuối năm thi đua các Tòa án trong tỉnh đã tổ chức được 60 phiên toà (trong đó TAND tỉnh 06 phiên tòa, các TAND cấp huyện 54 phiên tòa), hoàn thành chỉ tiêu theo chỉ đạo của TANDTC; ngoài ra, phối hợp, hỗ trợ TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử 20 phiên tòa có điểm cầu tại Trụ sở TAND tỉnh Gia Lai. Chỉ tính từ đầu năm thi đua 2023 đến nay, TAND tỉnh Gia Lai đã tổ chức được 04 phiên tòa trực tuyến; hỗ trợ TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử 11 phiên tòa trực tuyến.
Trong thời gian tới, khi được TANDTC cấp kinh phí để trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số: 50/QĐ-TANDTC ngày 14/3/2022, TAND tỉnh Gia Lai tin rằng, số lượng các phiên tòa xét xử trực tuyến sẽ tăng lên, chất lượng kỹ thuật sẽ cao hơn, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra.
* TAND tỉnh Bình Dương
Tham dự tại điểm cầu TAND tỉnh Bình Dương có đồng chí Trần Thanh Hoàng - Chánh án TAND tỉnh Bình Dương; các Phó Chánh án Đặng An Thanh, Đặng Văn Chum, Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Mai; Cùng đông đảo cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức người lao động.
Năm 2022, công tác xét xử gặp nhiều khó khăn đối với ngành Tòa án khi phải áp dụng các nguyên tắc trực tiếp, công khai trong xét xử và phải áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Song, với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động TAND tỉnh Bình Dương đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mộtsố vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm được xét xử kịp thời, nghiêm minh, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, được nhân dân đồng tình ủng hộ…
Theo Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Hoàng, dịp này để toàn ngành Tòa án tổng kết kết quả đạt được trong năm 2022, rồi rút kinh nghiệm, cải thiện công tác chuyên môn, nâng cao hiệu quả xét xử. Qua đây, mỗi đơn vị Tòa án sẽ tự xây dựng kế hoạch, tiêu chí cho năm 2023 với nhiều đột phá, mới mẻ trong hoạt động xét xử, ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến hóa mô hình xét xử và hoàn thiện công tác cải cách tư pháp.
* TAND tỉnh Lạng Sơn
Tại điểm cầu TAND tỉnh Lạng Sơn, tham dự hội nghị có đồng chí Chu Lệ Hường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn; đồng chí Phạm Văn Tuệ - Phó Chánh án TAND tỉnh; cùng toàn bộ tập thể cán bộ công chức, người lao động của hệ thống TAND 2 cấp.
Chia sẻ về vấn đề xét xử phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Chu Lệ Hường cho biết, ngay từ đầu tháng 1/2022, TAND tỉnh được lựa chọn là điểm cầu thành phần của một trong các phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên trên toàn quốc. Vì vậy, TAND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của TAND tối cao, theo đúng tính thần thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Thời điểm hiện tại, TAND tỉnh Lạng Sơn chưa được cấp kinh phí, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho công tác xét xử trực tuyến, nên TAND hai cấp của tỉnh vẫn đang tận dụng những trang thiết bị cũ, mượn các trang thiết bị của đơn vị khác để phục vụ cho việc xét xử trực tuyến, cho nên thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy yêu cầu.
"Để hoàn thiện hơn trong công tác xét xử trực tuyến, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị TAND hai cấp mua sắm trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội.
Cùng với đó, TAND các huyện, thành phố cũng đã chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công hơn các phiên tòa trực tuyến trong năm 2023", Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
* TAND tỉnh Đồng Nai
Trong năm 2022, khi nền kinh tế có những khó khăn nhất định, các vụ án dân sự ngày càng gia tăng về số lượng và có tính chất phức tạp đã đặt ra cho TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai không ít khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai luôn chủ động trong công tác lập kế hoạch làm việc khoa học, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và nâng cao chất lượng xét xử.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã thụ lý 23.629vụ, việc; Giải quyết 19.247 vụ, việc (đạt tỷ lệ chung là 81,5 %). So với cùng kỳ năm ngoái số án thụ lý tăng 3.773 vụ; Số án giải quyết tăng 6.688 vụ.
Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quốc hội và TANDTC cùng sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nên TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.